Đại hội Đảng bộ Hà Giang đặt mục tiêu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2025 là tỉnh có KT - XH phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc; đến năm 2030 là tỉnh có KT - XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT - XH trung bình khá của cả nước.

Không ngừng dọn dẹp môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng

Một trong những nhiệm vụ được Hà Giang quan tâm hàng đầu là việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực và nâng cao chất lượng công vụ.

Tới nay, Hà Giang đã rà soát, cắt giảm trên 600 thủ tục hành chính. Đồng thời tỉnh đã triển khai hệ thống một cửa điện tử tới 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố trên địa bàn tỉnh và liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4. UBND tỉnh đã tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Nhất là chú trọng cải cách hành chính trong công tác Hải quan, thực hiện tốt cam kết quốc tế về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Nâng cao chất lượng hoạt động của Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS giai đoạn II theo lộ trình của Tổng cục Hải quan đảm bảo đúng quy trình của sở ngành ban hành, ổn định, an ninh, an toàn 24/7.

{keywords}
Hà Giang: Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, chỉ đạo điều hành cũng được chú trọng; thực hiện có hiệu quả các TTHC đã kết nối chính thức qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, dịch vụ công trực tuyến. Hiện tại ngành Hải quan đang bổ sung hoàn thiện thêm chức năng thanh toán điện tử để đẩy mạnh giao dịch trực tuyến.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại quốc té

Thời gian qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, thương mại quốc tế trên địa bàn tỉnh khá sôi nổi. Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã đàm phán, ký kết và triển khai 85 thỏa thuận, biên bản hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong giai đoạn 2011-2021, tỉnh đã tiếp nhận và triển khai 85 chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án sử dụng vốn Phi chính phủ nước ngoài (NGO) từ các tổ chức (PLAN, Action Aid, Caritas, FFI, Helvetas/Thụy Sỹ, Loan Stifftung/Đức, Vision care/Hàn Quốc, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh...) với tổng giá trị giải ngân vốn NGO là 499,284 tỷ đồng.

5 năm qua tỉnh Hà Giang đã tổ chức 25 hội nghị, hội thảo; tham dự 22 hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài nước. Công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường. Có 34/34 xã, thị trấn biên giới, 3 cặp huyện, thành phố ký kết hợp tác hữu nghị với phía đối đẳng Trung Quốc; 12/12 Đồn Biên phòng ký kết nghĩa “Đồn – Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”.

Hà Giang khởi xướng, thành lập Hội hữu nghị Việt – Lào, Việt – Trung, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang tạo thành lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Thông qua thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, công khai danh mục thu hút đầu tư để lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực vào đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhờ vậy các chỉ số thuộc thành phần cải cách TTHC như: PAR Index, ICT Index, PCI (năm 2020) của tỉnh đều thuộc top 30/63 tỉnh, thành phố cả nước. Kết quả, số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới và nhà đầu tư quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có chiều hướng tăng dần theo từng năm, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư có tác động tích cực đến phát triển KT-XH của địa phương.

Thực hiện hỗ trợ mở rộng thị trường, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại. Tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất cam sành đạt tiêu chuẩn VietGap tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống siêu thị. Ban hành các kế hoạch thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh.

Vùng kinh tế động lực Vị Xuyên

Vị Xuyên là huyện có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và được xác định vùng kinh tế động lực trên địa bàn tỉnh.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 07-NQ/ĐH ngày 17/10/2020 nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời để việc thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước đi vào thực chất và từng bước nâng cao chất lượng, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 21 - Nghị quyết chuyên đề "Về đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào địa bàn huyện Vị Xuyên giai đoạn 2021-2025".

Quan điểm về việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của huyện là tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực huyện có lợi thế so sánh và khả năng thực hiện. Ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu. Thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó huyện cũng xác định việc thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách phải đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cũng như kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Với sự ưu tiên phát triển trên ba lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu, huyện Vị Xuyên xác định mục tiêu: Tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị và sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và đặc trưng; khai thác triệt để nguồn tài nguyên về du lịch, dịch vụ và kinh tế biên mậu. Phấn đấu đến năm 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 15.000 tỷ đồng; bình quân mỗi năm thu hút từ 3 đến 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách; thu hút các tập đoàn, công ty có tiềm lực tài chính và chiến lược đầu tư kinh doanh lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Định hướng cụ thể trên từng lĩnh vực thu hút đầu tư là: Về lĩnh vực nông nghiệp, thu hút các dự án đầu tư liên kết tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa. Ưu tiên các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như cam sành, chè, thảo quả…

Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, và kinh tế biên mậu: Thu hút đầu tư theo hướng tiếp cận cụm du lịch, liên kết vùng với định hướng cụ thể là tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa xã dân tộc; phát huy lợi thế về du lịch tâm linh, du lịch lịch sử. Bên cạnh đó tiếp tục thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch như các khu nghỉ dưỡng, hệ thống nhà hàng, khách sạn…; nâng cao chất lượng dịch vụ điểm dừng chân đón khách thăm quan Cao nguyên đá Đồng văn tại khu vực xã Thuận Hòa, Minh Tân; thu hút đầu tư vào các dự án dịch vụ, logistics vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy gắn với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Nghị quyết chuyên đề "Về đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào địa bàn huyện Vị Xuyên giai đoạn 2021-2025" cũng xác định tiếp tục thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng, tạo điều kiện để hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư để khởi công các nhà máy thủy điện mới trên địa bàn. 

Bắc Quang