Quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế và pháp luật quốc gia.

Quyền được sống trong môi trường trong lành đã được ghi nhận từ lâu trong nhiều văn kiện, công ước, điều ước quốc tế như: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948; các công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa, xã hội năm 1966; Tuyên bố Stockholm về các vấn đề môi trường năm 1972; Tuyên bố RiO về môi trường và phát triển năm 1992; Tuyên bố Johame về phát triển bền vững năm 2002. Tuy nhiên, Tuyên bố Stockholm năm 1972 và Tuyên bố RiO đều không phải các điều ước quốc tế, nên không có tính ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia, do đó dẫn đến việc thực hiện cũng như hiệu quả đạt được trong thực tế không rõ ràng. Đến năm 1981 mới có văn kiện mang tính ràng buộc đề cập đến quyền về môi trường, đó là Hiến chương châu Phi về cquyềncon người và quyền của các dân tộc. 

moitruong.jpg
Quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế và pháp luật quốc gia.

Ngay sau khi gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, Việt Nam đã xác định bảo vệ môi trường và quyền con người về môi trường là vấn đề quan trọng, cần được ưu tiên. Hiến pháp 1980 đã quy định “Các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sống” (Điều 36).

Hiến pháp 1992 làm rõ hơn vấn đề này khi nhấn mạnh “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường” (Điều 29). Hiến pháp 2013 chính thức coi quyền con người về môi trường là một quyền cơ bản, được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm khi tuyên bố: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43).

Trên tinh thần khẳng định quyền con người về môi trường của các bản hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường được bổ sung, hoàn thiện trong mục tiêu chung hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng và con người trở thành trung tâm trong việc ban hành các chính sách, pháp luật. Cho đến nay quyền con người về môi trường được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Luật Điện lực sửa đổi 2012, Luật Thủy sản 2017, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đo đạc và bản đồ 2018, Luật Bảo vệ môi trường 2020...

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động và sáng kiến thiết thực, thể hiện là quốc gia có trách nhiệm trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều đó được minh chứng qua các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam như đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Từ những cam kết ấy, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 song song với việc đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Ngày 23/3, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng tái tạo và thí điểm mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam (DPPA). Việc quyết liệt triển khai các biện pháp đồng bộ này đang từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Văn Giáp và nhóm PV, BTV