Từ tháng 8 đến ngày 20/9, Hà Giang ghi nhận hàng chục ca nhiễm bạch hầu, 2 ca tử vong, 100 trường hợp nghi mắc. Hà Giang trở thành điểm nóng của dịch bạch hầu. Qua điều tra cho thấy tất cả những trường hợp này đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Dịch xuất phát đầu tiên tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc sau đó xuất hiện thêm ở huyện Yên Minh. Bệnh nhân đều là người dân tộc thiểu số trong đó có nhiều trường hợp là học sinh.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo nhiều biện pháp ngăn chặn dịch lây lan và dự phòng bệnh bằng tiêm vắc xin. Theo đó, các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được bổ sung tiêm vắc xin phòng bạch hầu. Bộ Y tế cũng hỗ trợ Hà Giang 1000 liều vắc xin phòng bệnh này.
Sở Y tế yêu cầu các huyện có dịch như Yên Minh, Mèo Vạc tổ chức rà soát, tổng hợp để cấp thuốc uống điều trị dự phòng cho bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh và các nhóm hộ có nguy cơ cao, học sinh các trường học.
Các trường học trên địa bàn tăng cường truyền thông về dịch bạch hầu, thông tin tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; các khuyến cáo phòng, chống bệnh bạch hầu của Bộ Y tế, đường lây truyền, triệu chứng, biến chứng, cách phòng bệnh. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền cách phòng bệnh đau mắt đỏ và phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên...
Các cơ sở y tế phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi truyền thông giúp cho cán cán bộ, giáo viên và các em học sinh cũng như người dân nắm được những kiến thức cơ bản nhất về bệnh bạch hầu, bệnh đau mắt đỏ và ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên để từ đó chủ phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.