Nhằm góp phần đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, ngày 10/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; ngày 4/5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc ban hành kịp thời Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27, đã làm chuyển biến tích cực tư tưởng, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xóa bỏ hủ tục.
Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27 và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09, tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tại huyện Mèo Vạc, hiện huyện duy trì mô hình hoạt động của 199 tổ vận động thôn, tổ dân phố; xây dựng mới 19 mô hình xóa bỏ hủ tục lạc hậu; tổ chức ra mắt 4 dòng họ thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiêu chí đưa người chết vào áo quan được 38/147 đám. Tổ chức đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật được 552 cặp. Tuyên truyền, vận động được 424 phụ nữ có thai đến cơ sở y tế để sinh con; khám, chữa bệnh cho hơn 29.800 lượt bệnh nhân…
Còn tại huyện Đồng Văn, đến nay, trên địa bàn 19 xã, thị trấn các đám tang, đám cưới không còn ăn uống linh đình, kéo dài ngày, gây tốn kém, lãng phí, không có hôn nhận cận huyết thống, không còn tục kéo bắt vợ, thách cưới cao, hiện tượng tảo hôn, nạn tự tử giảm, không có mê tín dị đoan; các vấn đề học đạo, truyền đạo và theo đạo trái pháp luật không phát sinh phức tạp.
Trong năm 2022, trên địa bàn huyện có gần 800 cặp kết hôn và tổ chức đám cưới. Các đám cưới cơ bản đều thực hiện theo nếp sống văn minh, trang trọng, vui tươi, tiết kiệm; các nghi lễ được tổ chức đơn giản hoá, gọn nhẹ, phù hợp với văn hoá truyền thống của từng dân tộc...
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 9.910 cặp đôi đã thực hiện đăng ký kết hôn, tổ chức cưới theo nếp sống văn minh; vận động, can thiệp hoãn 330 cặp chưa đủ điều kiện kết hôn.
Bên cạnh đó, các hủ tục trong đám tang dần được loại bỏ, không còn hiện tượng mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn… bài cúng của thầy mo, thầy tạo được rút ngắn; hạn chế giết mổ nhiều gia súc, rượu chè linh đình nhiều ngày; thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ, thi hài người chết được chôn cất chu đáo.
Các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, tiết kiệm... Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.