Hà Giang là tỉnh miền núi, trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, tính tới hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều hiện chiếm 42,61% số hộ trên toàn tỉnh, giảm 13.276 hộ, tương đương giảm 7,34% so với năm 2022.
Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,12% (giảm 5,96% so với năm 2022); tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 11,49%, giảm 1,38% so với năm 2022. Tại 7 huyện nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 73,26% (2021) xuống còn 61,04%, tương đương giảm 12,22%. Thu nhập của hộ nghèo tăng từ 9,5 triệu đồng/người/năm (2021) lên 14,38 triệu đồng/người/năm (hết năm 2023).
Với mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được Hà Giang thực hiện rất quyết liệt.
Đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, cận nghèo, Hà Giang đã triển khai 421 mô hình giảm nghèo, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với 11.467 hộ nghèo và cận nghèo thụ hưởng. 166 dự án hỗ trợ sản xuất với 3.655 hộ nghèo hưởng lợi. Ngoài ra, 14 dự án liên kết chuỗi giá trị cũng được triển khai.
Đơn cử, tại huyện Xín Mần, năm 2023, địa phương này được phân bổ hơn 165 tỷ đồng. Huyện đã triển khai hiệu quả 35 dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng trên địa bàn các xã, thị trấn (trong đó 13 dự án nuôi dê lai; 10 dự án chăn nuôi lợn; 06 dự án trồng trọt (lê, Mận, Đào chè và Măng bát độ); 3 dự án chăn nuôi bò sinh sản; 1 dự án nuôi cá; 2 dự án nuôi gà). Kết thúc năm 2023, huyện Xín Mần giảm được 846 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo, tương ứng 6,17%.
Còn huyện Yên Minh lựa chọn tập trung vào chăn nuôi đại gia súc với hình thức hỗ trợ tiền vốn mua con giống, hỗ trợ tu sửa chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình. Các hộ dân đóng góp thêm tiền mua con giống, công tu sửa chuồng trại, trồng thức ăn chăn nuôi.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai theo hình thức nuôi luân chuyển, có thu hồi, nhằm bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.
Quan tâm hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, 7 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang đã triển khai xây mới 6.820 nhà, sửa chữa 2.803 nhà cho hộ nghèo. Cùng với đó, các ngành, địa phương phối hợp mở hàng trăm lớp đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Cùng đó, hàng trăm nghìn học sinh được hỗ trợ các chính sách theo quy định về miễn, giảm học phí, chi phí học tập, tiền ăn trưa, tiền gạo, ở bán trú; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 97,25%; trên 26.310 trẻ em từ 0-3 tuổi con hộ nghèo, cận nghèo được bổ sung dinh dưỡng...
Năm 2024, Hà Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4% (tương đương giảm khoảng 7.821 hộ nghèo đa chiều), các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Địa phương cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể để giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Hỗ trợ 5.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm ổn định.
Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ BHYT; Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,25%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm còn 16,2%.
Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%; Tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp trình độ từ sơ cấp trở lên cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Giáo dục nghề nghiệp 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, phấn đấu cuối năm 2024 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 60%.
Chiều thiếu hụt về nhà ở: Triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 4.184 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn 7 huyện nghèo (trong đó xây mới 3.004 hộ, sửa chữa 1.180 hộ).