Tại phiên họp trực tuyến của UBND tỉnh Hà Giang với các huyện, thành phố trên địa bàn nhằm đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho hay, “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Hà Giang tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho hoạt động phòng, chống dịch. Duy trì quản lý tốt tuyến biên giới, quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch của tỉnh. Không chủ quan, lơ là; theo dõi sát sao diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt; thành lập tổ công tác phục hồi sản xuất với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép”.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành chức năng Hà Giang cần tăng cường quản lý, theo dõi sát diễn biến thị trường, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh để kịp thời dự báo và chủ động xây dựng các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu khi nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn, nghiên cứu các cơ chế phù hợp với tình hình dịch bệnh để từng bước mở cửa đón khách du lịch trở lại.
Hà Giang tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho hoạt động phòng, chống dịch. |
Cùng với đó, rà soát và tận dụng diện tích đất có thể triển khai sản xuất vụ đông; lựa chọn cơ cấu các loại cây trồng có giá trị kinh tế để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chủ động, linh hoạt hỗ trợ người dân xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là tiêu thụ cam.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và ngành chuyên môn phải có cách thức chỉ đạo cụ thể để khống chế dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Đối với xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực chất, chú trọng tiêu chí việc làm và thu nhập của người dân. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp. Quan tâm, sáng tạo, áp dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ. Đẩy mạnh chuyển đổi số…
Với phương châm vừa chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh Hà Giang tiếp tục cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, thực hiện có hiệu quả Đề án Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay đã có 571 hộ cải tạo vườn tạp (vượt 215 hộ so với kế hoạch).
Thực hiện Đề án Phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc với các giống bản địa chất lượng cao như bò vàng, lợn đen, gà đen... Tiếp tục thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo …
Thời gian tới, để phục hồi kinh tế sau đại dịch, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ban hành một số nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết chuyên đề phát triển lâm nghiệp; Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết về đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông...
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo kế hoạch đã đề ra; chỉ đạo ngành thuế, ngân hàng... Triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định.
Thanh Hà