Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang, hiện nay, tất cả các cơ sở y tế đều đã phân loại chất thải rắn y tế đặc biệt là chất thải y tế nguy hại tại nguồn và tại nơi phát sinh chất thải theo quy định, bố trí bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế để phục vụ công tác thu gom, phân loại.

Trung bình một năm tổng chất thải rắn y tế nguy hại khoảng 178,85 tấn tương đương với 0,49 tấn/ngày. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng trên 876 tấn chất thải y tế thông thường. Các cơ sở y tế phát sinh y tế nguy hại hiện nay đang thực hiện hình thức thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại nội bộ trong cơ sở y tế đến khu vực lưu giữ tại chỗ trước khi xử lý. 

Đối với chất thải y tế thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tỷ lệ chất thải được thu gom vận chuyển và xử lý đạt 100%. Chất thải được thu gom từ các cơ sở y tế được Công ty vệ sinh môi trường vận chuyển đến các bãi chôn lấp rác thải chung và được xử lý như rác thải sinh hoạt thông thường. 

Với chất thải nguy hại, tỉnh đang áp dụng mô hình xử lý tại chỗ để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các bệnh viện, tỷ lệ xử lý lên đến 100%.

367379261-1345919946289966-4434752476967316902-n-1.jpg
Rác thải tại BV Đa khoa tỉnh Hà Giang được xử lý bằng công nghệ mới. Ảnh: Khánh Chi.

Công nghệ xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện hầu hết đã được đầu tư mới, có khả năng xử lý được nhiều loại chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn như bông băng, ống kim tiêm, ống dây dẫn truyền dịch, ống thông, các bộ lọc thẩm tách, lọ và ống tiêm dùng 1 lần hoặc ống tiêm đa năng…

Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện thì hầu hết đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tại chỗ công nghệ không đốt: vi sóng tích hợp nghiền cắt, hấp ướt tích hợp nghiền cắt; nhiệt ma sát để xử lý chất thải y tế.

Ở các cơ sở y tế tuyến xã, lượng chất thải phát sinh rất ít nên việc tuân thủ các quy định về phân loại chất thải y tế còn sơ sài. Trạm y tế không có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại riêng biệt. Khi phát sinh chất thải tại trạm y tế được phân loại, lưu giữ tạm trong hộp an toàn, túi nilon hoặc thùng carton trong phòng khám bệnh, đến cuối ngày vận chuyển chất thải đi đốt hoặc đưa đi xử lý.

Phần lớn các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh phát sinh rất ít chất thải y tế nguy hại, chỉ phát sinh chất thải y tế thông thường nên không đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Các đơn vị chủ yếu là thuê đơn vị khác xử lý hoặc thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt.

Hiện nay, Hà Giang đã triển khai các dự án đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế quy mô như dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế tại bệnh viện các huyện và Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện.

Từ năm 2020, Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện kế hoạch phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.

Các cơ sở y tế tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức nhân viên y tế và người dân trên địa bàn tỉnh về giảm thải rác nhựa. Các bệnh viện trong tỉnh đã ban hành và triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức và giảm thiểu chất thải nhựa. 

Khánh Chi