Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 93 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất. Trong đó, có 8 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất. 

anh bai 12 chuan.jpg
Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp đã tổ chức 16 đợt diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất.

Xác định rõ mức độ nguy hại của hóa chất nếu không được sử dụng, bảo quản, xử lý đúng quy định, các doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành nghiêm việc lập kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; thực hiện sắp xếp, phân loại hóa chất; tổ chức các buổi diễn tập, tập huấn kỹ thuật an toàn hóa chất cho nhân viên tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong quá trình sản xuất, kinh doanh...

Việc sử dụng, bảo quản hóa chất không an toàn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng do hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm như dễ cháy, nổ, ô xy hóa, ăn mòn, độc mãn tính, độc cấp tính, gây ung thư, gây đột biến gen, độc hại với môi trường…  Vì vậy, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động hóa chất, hằng năm, Sở Công Thương đều tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hóa chất; hướng dẫn thực hiện thao tác báo cáo công tác quản lý hóa chất hằng năm trên hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng biện pháp và kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo hướng dẫn tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Mới đây nhất, vào tháng 7/2023, Sở Công Thương đã tổ chức hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về hoạt động hoá chất cho 110 học viên đến từ 72 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại đây, các chuyên viên Sở Công Thương đã hướng dẫn các học viên sử dụng Hệ thống cơ cở dữ liệu hóa chất quốc gia, như: Hướng dẫn cách đăng ký tài khoản, thông tin về hoá chất, các hoá chất phải khai báo, cách mua hoá chất trong nước và nhập khẩu… Ngoài ra, các học viên còn được giới thiệu các văn bản mới liên quan đến Luật Hoá chất. 

Đặc biệt là các học viên được trao đổi, được giải đáp thắc mắc liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, từ đó giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, kỹ năng trong việc quản lý, áp dụng trong quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến hoá chất tại doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, nhất là vệc xử lý các tình huống, sự cố về hoá chất.

Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều xác định, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nói chung, an toàn trong sử dụng hóa chất nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, hằng năm, các doanh nghiệp đều chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập về công tác phòng ngừa sự cố về hóa chất; trình tự các bước xử lý khi hóa chất rò rỉ, tràn ra môi trường; cách xử lý khi bị hóa chất trực tiếp dính vào khu vực mắt, tay, chân… 

Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về mức độ nguy hiểm của các sự cố hóa chất, cách sử dụng bảo hộ cá nhân đúng cách trong quá trình tiếp xúc với hóa chất. 

Để giảm thiểu ảnh hưởng của hóa chất tới sức khỏe người lao động, các doanh nghiệp đã xây dựng kho chứa, bảo quản hóa chất riêng biệt với hệ thống chống tràn bảo đảm quy định; trang bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ tại các khu vực sản xuất có sử dụng hóa chất để khi có sự cố hóa chất xảy ra thì có thể kịp thời xử lý tình huống.

Sở Công Thương cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức 16 đợt diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất. Sở Công thương đã tiếp nhận 32 bản kế hoạch, biện pháp ứng phó sự cố hóa chất của doanh nghiệp; cấp 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV