Kiến trúc sư Trần Huy Ánh trao đổi với PV VietNamNet về việc giữ các ao, hồ tự nhiên của các quốc gia trên thế giới xung quanh câu chuyện những ao, hồ tự nhiên của Thủ đô đang bị san lấp.

Ông nói: Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “Xanh - Sạch - Văn hiến - Văn minh”, đi cùng với nó là hành lang xanh chiếm 70% diện tích tự nhiên với hành lang sinh thái sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Hồng - Đuống. Có hẳn chỉ tiêu các khu đô thị mới phải dành ra >10 % diện tích để tạo mặt nước mới.

{keywords}
Hồ Tây Hà Nội - lá phổi xanh của Thủ đô

Thực tế 10 năm qua việc bảo vệ hồ không được bao nhiêu. 10 năm tới phải tăng việc đào hồ, cải tạo ao hồ hiện có, nạo vét sông gấp vài chục lần may ra mới bù lại hàng trăm nghìn ha sông, hồ, đất ruộng trũng bán ngập đã bị lấp đi cho các dự án bất động sản.

Có những hồ tự nhiên như Hồ Tây, điển hình đang ở tình trạng ô nhiễm ra sao thì cứ mỗi sáng đạp xe quanh hồ, ngửi mùi là biết ngay.

Hàng trăm bất động sản khổng lồ ven hồ, các nhà ở cao thấp tầng đang đổ nước vào đâu khi cái nhà máy xử lý nước thải to vật vã xây xong mà đang khó khăn do không đón được nước thải vào?, đó là nội dung ghi trong báo cáo rà soát đánh giá quy hoạch do Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội công bố tháng 10/2021.

{keywords}
Những ao hồ tự nhiên đang trở thành lá phổi xanh của cộng đồng

Tại quận Long Biên, việc lấp những ao hồ tự nhiên được lý giải sẽ xây mới các hồ nhân tạo, nhưng hồ nhân tạo lại gắn với các dự án bất động sản, ông nghĩ sao về cách làm này?

Hồ tự nhiên có giá trị khác với hồ nhân tạo do nó tự hình thành hệ sinh thái tuần hoàn, hữu cơ. Hồ gắn với dự án bất động sản tạo cảnh quan đẹp nhưng có những hồ gây nguy hại về môi trường nếu lạm dụng hoá chất xử lý ô nhiễm nước hồ, hoặc làm mặn giả biển nhân tạo, chỉ một thời gian ngắn nước trong hồ sẽ là nước chết không tái sinh được.

{keywords}
Ô nhiễm môi trường trên hồ Hoàng Cầu (Hà Nội) tháng 6/2017

Do vậy việc chạy đua các giá trị thương mại là việc của các nhà buôn bất động sản. Còn tạo ra môi trường sống bền vững cho người dân là trách nhiệm của các cấp chính quyền dân.

Chúng ta cần làm rõ hai loại hình và hai trách nhiệm, thật khó khăn khi nhờ các nhà buôn bất động sản lo chất lượng sống cho cộng đồng xã hội. Họ chỉ có trách nhiệm thương mại với khách hàng của họ.

Trách nhiệm bảo vệ môi trường sống cho người dân không ai khác chính là các cấp chính quyền và người dân cần tăng cường giám sát theo quy định của pháp luật. Cụ thể hơn chính là giám sát việc lấp hồ tự nhiên hay đào hồ mới có thực sự vì lợi ích của cộng đồng dân cư hay không?.

{keywords}
Hồ Gươm - lá phổi xanh của Thủ đô. Ảnh: Phạm Hải

Năm 2008, trận lụt lịch sử cho thấy khu vực Long Biên bị ngập úng nghiêm trọng dù rất gần với 2 lưu vực sông Hồng, sông Đuống. Theo ông, để tận dụng những ao hồ tự nhiên vào mục đích tiêu thoát nước, chống úng ngập cho vùng này, cần những giải pháp gì?

Lịch sử Long Biên (đất thị trấn Gia Lâm và phụ cận) ngập úng lâu đời. Trước là “phố trước hồ sau”, nay lấp hồ thành ra phố ngập, khu dân cư 2 bên phố cũ ngập cả chục năm loay hoay tôn nền tháo nước cũng có phần đỡ nhưng phong trào lấp hồ, ruộng trũng bán đất vẫn phát triển không ngừng.

{keywords}
Hồ tự nhiên tại phường Ngọc Thụy đang đứng trước nguy cơ bị san lấp

Trong khi chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mặt và bơm ra 2 sông thì giải pháp tăng cường các hồ ao, thậm chí cả công viên, vườn cây, sân chơi thể thao… có địa hình trũng thu gom nước khi mưa to là hữu hiệu.

Nó tạo ra các ắc-qui nước: gom nước tức thời không chảy vào các khu dân cư để thẩm thấu xuống đất hoặc từ từ tràn vào các kênh tiêu, cống xả; khi hết mưa lũ, khô ráo lại trở về với chức năng không gian công cộng, cảnh quan đô thị.

Nếu thiết kế tốt, đảm bảo vệ sinh các khu trũng bán ngập này sẽ kết hợp thành không gian đa năng, thích ứng với những tình huống cực đoan do lũ lớn hay khô hạn ngày càng phức tạp.

Những giải pháp lớn cho tổng thể, nhưng từng giải pháp nhỏ cụ thể cho một ao nhỏ, một đường thoát nước bé cũng cần thận trọng, tính toán thấu đáo mọi bề… bởi lẽ cái nhỏ mà ứng xử tuỳ tiện thì đừng mơ đến ngày cái lớn thành công.

{keywords}
Người dân phường Ngọc Thụy đi thuyền vào nhà trong trận lụt lịch sử 2008.

Tại quận Long Biên thì san lấp ao hồ tự nhiên, còn ở các thành phố lớn của các quốc gia khác, vấn đề bảo vệ, quy hoạch, giữ gìn hồ tự nhiên được triển khai ra sao, thưa ông?

Hầu hết các quốc gia phát triển cũng đã trải qua thời tàn phá tài nguyên dẫn đến ô nhiễm, dịch bệnh, sau đó họ "tỉnh ngộ" và bảo vệ môi trường tích cực.

Ví dụ như sông Thames chảy qua London (Anh), đã có thời ngập ngụa rác thải, nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước tạo ra dịch tả…

Họ đã quyết tâm thay đổi, xây hệ thống thoát nước thải riêng không đổ vào sông, lập ra các quy định ngặt nghèo và sông Thames cũng như tất cả sông hồ tại Anh được bảo vệ nghiêm ngặt.

Các thành phố Nhật Bản sau chiến tranh cũng phát triển công nghiệp nhanh, xả nước thải độc hại từ các nhà máy, khu dân cư làm ô nhiễm…, họ cũng kiên định theo đuổi chính sách “ai xả thải người đó phải trả tiền”. “Luật bảo vệ môi trường nước” đã ngấm vào từng người dân và bảo vệ sông hồ như một phần trong lẽ sống của người Nhật.

Những nước quanh ta như Singapore hay Malaysia là tấm gương tốt về hệ thống luật pháp và giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch sông hồ tân tiến nhất thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Kiên Trung thực hiện 

Hầu như không ai nghĩ đến kiểm đếm ao hồ tự nhiên còn hay mất

Hầu như không ai nghĩ đến kiểm đếm ao hồ tự nhiên còn hay mất

Năm 2010 Thành ủy Hà Nội có chủ trương rà soát, giữ lại những ao hồ tự nhiên để bảo vệ cảnh quan. Còn theo KTS Trần Huy Ánh, hầu như không có ai nghĩ chuyện thống kê, kiểm đếm sau bao năm còn hay mất ao hồ.