Trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thịt gia cầm tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu rủi trong chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích các cơ sở, trang trại gia cầm thúc đẩy việc tái đàn theo hướng an toàn.

{keywords}
Người chăn nuôi đang đẩy nhanh tốc độ tái đàn. 

Tính đến hết tháng 8/2021, đàn gia cầm của thành phố đạt 39,8 triệu con (tăng 0,4%). Dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.

Tại các huyện Quốc Oai, Ứng Hòa, Thanh Oai, Ba Vì... người chăn nuôi cũng đang đẩy nhanh tốc độ tái đàn.

Anh Vũ Văn Hùng ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) hiện nuôi 500 con gà. Để bảo vệ đàn vật nuôi không bị dịch bệnh, trước khi tái đàn, anh đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực trang trại và môi trường xung quanh.

Quá trình nuôi, anh tiêm phòng vắc xin theo đúng khuyến cáo của cơ quan thú y. Dự kiến, đàn gà nhà anh sẽ xuất chuồng vào khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2 tuần.

Với hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều trang trại ở huyện Ứng Hòa tiếp tục sản xuất ổn định.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa cho biết thời điểm hiện tại, hợp tác xã vẫn duy trì hơn 2.400 lợn nái và 17.000 lợn thương phẩm, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn thịt lợn.

Ông Vương Đình Ân (Phú Xuyên) có trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh chia sẻ, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn là giải pháp khả thi, giảm thiểu bệnh tật, tránh được rủi ro, thiệt hại kinh tế khi dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch chồng dịch, vừa phải thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa ngăn chặn các chủng cúm gia cầm lây lan nhưng trang trại của gia đình ông Ân vẫn phát triển ổn định. Sản phẩm cung cấp ra thị trường đều đặn và được đón nhận.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP Hà Nội phối hợp với các huyện, thị xã hướng dẫn người dân triển khai tiêm phòng vụ thu - đông và các tháng cuối năm theo kế hoạch, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trở lên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các địa phương chủ động lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đợt 2 năm 2021 để đánh giá hiệu quả tiêm phòng; Giám sát lưu hành virus. Đồng thời triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch.

Lê Na