Phương án phân luồng riêng cho từng "điểm đen" ngập lụt

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, vài năm gần đây, do biến đổi khí hậu xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, lốc xoáy, mưa giông, gió rật mạnh và mưa đá xảy ra trên địa bàn.

Đây là hiện tượng thiên nhiên khó lường khi xảy ra cần hết sức tập trung trong công tác chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả. Đặc biệt chú trọng đề phòng lốc xoáy, gió giật xảy ra tại luồng, khe các tòa nhà cao tầng khi có mưa giông hoặc thời tiết cực đoan xảy ra.

W-mua ngap HN Pham Hai 1.jpg
Hà Nội có nhiều điểm khi mưa to dễ xảy ra ngập úng. Ảnh: Phạm Hải

Với những trận mưa có lượng mưa từ 50-70mm/h và những trận mưa trên 100mm/h năm 2024 xảy ra trên địa bàn xuất hiện 30 điểm úng ngập dự kiến.

Thanh tra Sở sẽ được giao phối hợp với các đơn vị tổ chức lập chốt trực gác barie, thiết lập các biển báo báo hiệu vị trí và độ sâu mực nước, biển báo hướng dẫn giao thông, để cảnh báo cho các phương tiện qua lại...

Đối với các vị trí sâu nguy hiểm (hố đào trần, hố ga, cầu cống...) bị ngập chìm phải rào chắn, biển báo hiệu cảnh báo, ban đêm thắp đèn chiếu sáng.

Đặc biệt tại các đầu cống, hố ga nơi có dòng chảy xiết lưu lượng nước lớn phải có cọc tiêu thông báo nguy hiểm để đề phòng tai nạn xảy ra.

Tại các điểm bị úng ngập sâu phương tiện đi lại khó khăn trong trong thành phố ở các vị trí nhà chờ xe buýt, bến xe, bến tàu... bố trí lực lượng và phương tiện xe để hỗ trợ và vận chuyển nhân dân còn bị mắc kẹt ra vị trí an toàn và thuận lợi để di chuyển.

Sở GTVT cũng có phương án phân luồng giao thông các "điểm đen" ngập lụt. Căn cứ theo từng vị trí ngập cụ thể để tổ chức giao thông đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế, đặc biệt tại những vị trí có thể bị ngập sâu. Đồng thời giao cho Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức lập chốt trực gác barie, thiết lập các biển báo báo hiệu vị trí và độ sâu mực nước, biển báo hướng dẫn giao thông, để cảnh báo cho các phương tiện qua lại; phân luồng, tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn cho các phương tiện và tài sản của người dân.

Đáng chú ý, Hà Nội cũng lên kế hoạch ứng phó với 5 tình huống cụ thể như bão vào Hà Nội gây mưa rất to và kéo dài, nhiều tuyến đường nội đô bị ngập sâu nguy hiểm, nhiều cây cối, cột điện bị đổ chắn ngang đường gây cản trở giao thông. Một số tuyến đường huyết mạnh nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận bị ngập, sạt lở nghiêm trọng khu vực nội thành bị tê liệt mất điện, mất nước gây ảnh hưởng và làm xáo trộn sinh hoạt hàng ngày của nhân dân... 

Ngoài ra còn có tình huống giả định, xảy ra vỡ đê quan trọng trên địa bàn và cùng một lúc xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng trên các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thuỷ đi qua trung tâm, làm chết và bị thương nhiều người, giao thông trên các tuyến đường này bị chia cắt, các phương tiện không lưu thông được...

Tại từng tình huống, Hà Nội đều đưa ra kế hoạch ứng phó cụ thể, phương án xử lý, cách thức phối hợp, đảm bảo an ninh, an toàn, giao thông thông suốt, hạn chế tối đa thiệt hại cũng như giảm bớt ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. 

T.An