Tiên phong xử lý rác viễn thông

Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Nhìn lại năm 2020, Sở TT&TT Hà Nội đã tích cực chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý CNTT, bưu chính, viễn thông và báo chí, xuất bản trên địa bàn. 

{keywords}
Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2020 của Sở TT&TT Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Cụ thể, đã tham mưu UBND Thành phố ban hành, triển khai Kế hoạch về CNTT thành phố Hà Nội năm 2020 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2021. 

Sở cũng đã trình UBND Hà Nội Kế hoạch triển khai Nghị định số 45/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, ban hành Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đơn vị này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai xây dựng hạ tầng khu Công viên phần mềm tại huyện Đông Anh (Hà Nội). 

Về bưu chính, viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu ban hành quy định về quản lý, xây dựng, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên cột treo cáp. 

Sở TT&TT Hà Nội cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT triển khai Nghị định số 91/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác trên địa bàn. 

Một trong những thành tựu nổi bật về viễn thông của Hà Nội trong năm 2020 là triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G và lắp đặt hệ thống WiFi công cộng tại các điểm du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố. 

Đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông và thông tin điện tử, Hà Nội đã triển khai giai đoạn I của Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025. Sở TT&TT cũng đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm báo chí thành phố Hà Nội.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt. 

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Mục tiêu của Hà Nội trong năm 2021 là cải thiện hình ảnh về việc ứng dụng CNTT. Với những hạ tầng mới như Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm giám sát không gian mạng và các hệ thống phần mềm dùng chung, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn Thủ đô sẽ tốt hơn trong thời gian tới. 

Thử nghiệm 5G, phát triển khu CNTT

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đánh giá cao các kết quả mà Sở TT&TT Hà Nội đã đạt được trong năm 2020.  Thứ trưởng yêu cầu Sở sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể dựa trên các định hướng lớn theo Chỉ thị 01 mà Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành.

Chương trình hành động của Sở TT&TT Hà Nội năm 2021 cần theo sát Nghị quyết, chỉ đạo cụ thể của Thành ủy và các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ TT&TT. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đánh giá cao các kết quả mà Sở TT&TT Hà Nội đã đạt được trong năm 2020. Ảnh: Trọng Đạt

Về lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn muốn Hà Nội sớm hoàn thiện mã địa chỉ bưu chính Vpostcode tới từng hộ gia đình. Đây đươc xem là nền tảng căn bản để quản lý và phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng cần quan tâm và tạo điều kiện xây dựng các điểm phục vụ bưu chính để hỗ trợ bà con.

Đối với lĩnh vực viễn thông - Internet, Sở TT&TT Hà Nội cần tập trung phát triển hạ tầng số, nâng cao chất lượng 4G, thúc đẩy thử nghiệm 5G và hoàn thành quy hoạch hạ tầng viễn thông dùng chung trên địa bàn. 

Về công nghiệp ICT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn muốn Hà Nội phát triển các khu CNTT tập trung, các start-up và doanh nghiệp công nghệ. Quan điểm của Bộ TT&TT là tạo cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số. 

Với ứng dụng CNTT - chính phủ điện tử, cần xây dựng, triển khai các nền tảng dùng chung cho thành phố. Về ATTT, Hà Nội phải bảo đảm ATTT 4 lớp, tích cực rà quét để phát hiện tin xấu độc trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, cần phát triển công tác thông tin cơ sở, tăng cường đầu tư các hệ thống đài truyền thanh thế hệ mới trên địa bàn. Đây là phương thức truyền thông đại chúng hiệu quả nhất hiện nay, điều này đã được minh chứng trong giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, các vấn đề mà Sở TT&TT Hà Nội cần quan tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác thanh kiểm tra và bố trí nguồn lực để đảm bảo các quận, huyện đều có người triển khai công tác TT&TT, đặc biệt là chuyển đổi số.

Tập trung phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, trong thời gian tới, Sở TT&TT cần tăng cường tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt việc phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

{keywords}
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng. Ảnh: Trọng Đạt

Bên cạnh đó, cũng cần kịp thời cung cấp các thông tin chính thống để định hướng, tham mưu xử lý các vấn đề “nóng”, bức xúc mà báo chí và dư luận phản ánh.

Ông Chử Xuân Dũng muốn đơn vị này tham mưu cho thành phố về các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, nội dung quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT, lãnh đạo thành phố Hà Nội muốn đẩy mạnh hơn nữa chất lượng mạng 5G, tăng cường thương mại hóa 5G nhằm phục vụ cho việc phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

Sở TT&TT Hà Nội phải là đơn vị đi đầu về cải cách hành chính, củng cố hệ thống quy trình, quy chế làm việc gắn với ứng dụng CNTT. Trong quá trình này, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao về lĩnh vực TT&TT sẽ là nhiệm vụ quan trọng mà thành phố phải làm trong thời gian tới. 

Trọng Đạt

Hà Nội lên kế hoạch chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác

Hà Nội lên kế hoạch chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác

Kế hoạch triển khai Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (Nghị định 91) trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được ban hành.