Khởi sắc rõ nét tuy chưa bứt phá
Theo đó, sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khởi sắc rõ nét, tuy nhiên tăng trưởng chưa bứt phá. Hầu hết các chỉ tiêu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (đặc biệt có một số chỉ tiêu tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2020 và 2019 - năm chưa có dịch Covid-19, như: chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch nhập khẩu, giá trị gia tăng nông nghiệp; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng thấp hơn 02 năm 2019, 2020) nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn kịch bản cơ sở đưa ra đầu năm.
Thành phố dự kiến kết quả chủ yếu tháng 6 và 6 tháng đầu năm đạt được là:
Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng ước đạt 5,91%, tuy cao hơn cùng kỳ năm 2020 (là 2,92%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (là 7,12%). Cụ thể: dịch vụ tăng 5,74%, gấp 2,65 lần so với cùng kỳ; Công nghiệp - xây dựng tăng 7,74%, gấp 1,4 lần (cùng kỳ tăng 5,46%); Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,09%, gấp 1,25 lần (cùng kỳ tăng 2,47%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 1,9% so với tháng 5 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. IIP 6 tháng đầu năm tăng 8,7%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (tăng 3,3%) và cùng kỳ năm 2019 (tăng 7,29%).
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 1,37 tỷ USD, tăng 19,1% so với tháng 5 và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2020; 6 tháng đầu năm đạt 7,16 tỷ USD, tăng 4,5% - cao hơn cùng kỳ năm 2020 (giảm 5,3%).
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 3 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng 5 và tăng 21,2% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm đạt 16,67 tỷ USD, tăng 21,1%, cao hơn khá nhiều cùng kỳ 2020 (giảm 8,9%) và cùng kỳ năm 2019 (tăng 4,6%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 46,4 nghìn tỷ đồng, tương đương tháng 5 và giảm 9% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm đạt 289,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%, cao hơn khá nhiều cùng kỳ năm 2020 (tăng 0,6%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (tăng 10,9%).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng ước tăng 1,02-1,07% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,68%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,07%).
Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao (đạt 49,7% dự toán Thành phố giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ (nếu tính cả 11.390 tỷ đồng số thu được gia hạn trong 6 tháng đầu năm thì tổng thu đạt 136.244 tỷ đồng, đạt 57,8% dự toán Trung ương giao, 54,2% dự toán Thành phố giao, bằng 106,4% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương ước đạt 31.619 tỷ đồng, đạt 29,1% dự toán và bằng 99,2% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Dịch tả lợn Châu phi được kiểm soát; đàn lợn, đàn gia cầm và đàn gia súc tiếp tục tăng. Giá trị gia tăng nông nghiệp ước đạt 3,09% - cao hơn khá nhiều cùng kỳ năm 2020 (1,61%) và cùng kỳ năm 2019 (1,15%).
Số doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm thành lập là 13.125 đơn vị, tăng 4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 74%, cao hơn mức tăng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 15%) và số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 33%).
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD với 171 dự án mới và 78 dự án bổ sung vốn đầu tư; Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng (gồm 10 dự án mới và 38 dự án tăng vốn).
Đảm bảo tốt an sinh, an toàn xã hội: 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho gần 97 nghìn lao động, đạt 60,5% kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thực hiện chi 608,5 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 515 nghìn người gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Quy hoạch, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được duy trì tốt. Đã phê duyệt, công bố quy hoạch phân khu đô thị 04 quận nội đô lịch sử tại: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
6 tháng đầu năm, trong hoàn cảnh bệnh dịch, Hà Nội vẫn nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép". Ảnh minh họa |
Tăng tốc phát triển kinh tế
Tuy nhiên, Báo cáo kết quả phát triển KT-XH cũng cho thấy Thành phố còn nhiều chỉ tiêu thấp, chưa đạt được kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có ngành du lịch, văn hóa...; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và bình quân chung của cả nước; công tác GPMB tại các công trình còn chậm.
Do đó, thành phố đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2021 là tăng tốc phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, để tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 (trên 7,5%), UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá, phân tích kỹ từng chỉ tiêu chưa đạt được của đơn vị trong 6 tháng qua để xác định rõ lộ trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả trong 6 tháng còn lại; chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt.
Cùng với đó là quản lý, điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán UBND Thành phố giao. Tiết kiệm chi ngân sách; thường xuyên rà soát, tập trung ngân sách cho những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu; cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; tạo vốn kích thích phát triển KT-XH.
Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu năm 2021 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn, đến hết quý III đạt 60% kế hoạch vốn được giao.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập kế hoạch giải quyết dứt điểm công tác quyết toán đối với các dự án tồn đọng từ năm trước, không để nợ đọng kéo dài. Thúc đẩy tiến độ GPMB các dự án, ưu tiên nhóm các dự án trọng điểm. Thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Triển khai hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Xem xét thực hiện giãn, hoãn thời gian nộp thuế của các hộ kinh doanh và kết nối hỗ trợ hộ kinh doanh với các tổ chức tín dụng. Đơn giản thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kho bạc;
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà; Kịp thời thực hiện gói chính sách ưu đãi về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2021 theo Nghị định số 52 của Chính phủ.
Kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công dự án. Duy trì các hoạt động tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại (phù hợp bối cảnh dịch bệnh);
Đơn giản các thủ tục thông quan, hỗ trợ các hoạt động logistics để thúc đẩy xuất khẩu. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là ổn định giá đầu vào và giải quyết ra cho sản phẩm nông nghiệp; tăng cường liên kết các chuỗi sản xuất - tiêu thụ.
Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ nông thủy sản của các địa phương tại Hà Nội và quảng bá các sản phẩm của Thành phố tới các tỉnh, thành phố phù hợp diễn biến của dịch Covid-19. Đảm bảo đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp trong năm 2021.
Xây dựng sẵn sàng các kịch bản thúc đẩy tăng trưởng du lịch Thành phố ứng với từng cấp độ, diễn biến dịch Covid-19; tập trung khai thác, đề xuất xúc tiến quảng bá du lịch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có nhiều tiềm năng, lợi thế.
V.v,...
Minh Vy