Tình trạng học sinh THPT điều khiển xe máy vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều quận, huyện của Hà Nội. Dù đầu năm học, nhà trường yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết không vi phạm Luật giao thông nhưng do cha mẹ bận đi làm không thể đưa đón nên đã giao xe cho con điều khiển.

Việc học sinh không có bằng lái, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật khi điều khiển xe máy tham gia giao thông đã gây ra những tai nạn đáng tiếc. Ngoài gián đoạn việc học, tai nạn giao thông còn khiến nhiều học sinh thương tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, 9 tháng đầu năm 2023, trên cả nước có 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp học sinh. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 329 em và khiến 528 em bị thương. Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2023 xảy ra 17 vụ, làm 9 học sinh thiệt mạng, 13 em bị thương (so với cùng kỳ 2022 giảm 8 vụ, giảm 5 người chết, giảm 5 người bị thương).

W-hoc-sinh.png
CSGT tuyên truyền, phổ kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh ở Hà Nội. 

Luật Giao thông đường bộ cấm giao xe máy và điều khiển phương tiện này khi chưa đủ tuổi nhưng nhiều học sinh “lách” luật bằng cách đi xe máy trên 50cm3. Để không bị thầy cô phát hiện, nhiều em gửi xe cách xa trường. Việc cố tình điều khiển xe máy tham gia giao thông khi chưa được trang kỹ kiến thức pháp luật và kỹ năng cần thiết đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, gây nguy hiểm cho người đi đường và bản thân học sinh.

Nhiều lỗi vi phạm khi đi xe đến trường

Trước tình trạng trên, ngày 20/10, CSGT Công an thành phố Hà Nội đã ra quân xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm. Chỉ trong ít phút ra quân, Đội CSGT số 10 thuộc Phòng CGST Hà Nội phát hiện hàng loạt học sinh điều khiển xe máy trên 50 cm3 đi học. Nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường.

Theo thống kê trong 9 tháng qua, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 1.814 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên. Trong đó, phạt tiền ước tính 1.011 tỷ đồng đồng, tạm giữ 770 mô tô, xe máy, 9 xe đạp máy.

Các hành vi vi phạm chủ yếu của học sinh, sinh viên chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm (1.710 trường hợp), không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm nồng độ cồn.

Để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông đối với học sinh, Ban An toàn giao thông TP.Hà Nội đã tổ chức 15 chương trình tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và văn hóa giao thông cho khoảng trên 22.500 giáo viên, học sinh, phụ huynh các trường học phổ thông; tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền văn hóa giao thông cho gần 6.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên trường đại học, cao đẳng tham dự.

Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng CSGT đến các trường để tuyên truyền 138 buổi cho hơn 133.00 học sinh, 9.700 giáo viên tham gia; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về ATGT cho 79.000 lượt học sinh, sinh viên;

Ngoài ra, lực lượng công an còn tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên chưa đưa điều kiện điều khiển xe máy cho hàng chục nghìn lượt phụ huynh, tổ chức 48 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường học và trao  mũ bảo hiểm, áo phao cho học sinh trên địa bàn thành phố.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu với sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, đào tạo và nguồn lực. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao mức độ an toàn giao thông, giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là với học sinh. 

Quang Phong và nhóm PV, BTV