UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xin ý kiến về nội dung dự thảo "Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô".
Mục tiêu của đề án là xây dựng kế hoạch phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư, phương án huy động nguồn vốn đến năm 2035 để hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo quy hoạch GTVT Hà Nội đã được phê duyệt tại quyết định 519/QĐ-TTg.
Để hoàn thành mục tiêu, UBND TP Hà Nội cho biết, kịch bản đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô được nghiên cứu trên cơ sở 5 nguyên tắc. Trong đó, thành phố cũng đưa ra 3 phân kỳ đầu tư. Cụ thể:
Đến năm 2030, UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,8km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,602 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 2,2-2,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.
Đến năm 2035, TP Hà Nội hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435mm. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đến sau năm 2035, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 9,7-11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm.
Đến năm 2045, TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 206,1km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt.
Thách thức lớn
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, phương án “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” có ưu điểm là đáp ứng được mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW; có thể đáp ứng được mục tiêu về thị phần vận tải hành khách công cộng 50-55%..., nhưng có nhược điểm là khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, đòi hỏi thành phố phải ưu tiên tập trung nguồn lực rất cao.
Bên cạnh đó, phương án này có nhu cầu vốn lớn, thời gian thu xếp ngắn, nên sẽ gặp khó khăn trong việc huy động, bố trí nguồn vốn đầu tư; chi phí vận hành, bảo dưỡng sẽ gây áp lực lên ngân sách sau khi đưa toàn bộ mạng lưới vào khai thác.
“Việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng hạ tầng đường sắt đô thị được đề cập trong dự thảo đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô là một thách thức rất lớn, đòi hỏi một cách làm mang tính đột phá trong việc huy động nguồn vốn và tổ chức triển khai”, lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhận định.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cũng khẳng định, chỉ trong vòng gần 12 năm, Hà Nội phải hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị là nhiệm vụ nặng nề, thậm chí bất khả thi nếu không kết hợp phát triển các đô thị TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) dọc theo các nhà ga của hệ thống metro. Đi đôi với đó là cơ chế quản lý có tính đặc thù vượt trội hoàn toàn so với các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
“Nếu không có giải pháp về cơ chế quản lý và nguồn tiền, tiếp tục vay vốn ODA thì sẽ không chủ động hoàn thành sứ mệnh lịch sử hơn 200km đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM. Như vậy, muốn có tiền để hoàn thành sứ mệnh thì phải làm TOD, quy hoạch TOD để đấu giá quyền đầu tư bất động sản ở khu vực đó”, ông Đông bày tỏ.