“Trong sáng nay (ngày 18/11), lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quận Tây Hồ chủ động phối hợp với các sở ngành sớm khắc phục tình trạng cá chết ở hồ Tây”, đại diện UBND quận Tây Hồ nói.

Trước yêu cầu trên, quận Tây Hồ đã liên hệ Xí nghiệp thoát nước số 1 - Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề nghị tăng cường công nhân vớt cá chết trôi dạt ven hồ.

Quận Tây Hồ cũng đã đề nghị Chi cục Thuỷ sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Nông thôn) hướng dẫn cách đánh bắt để giảm mật độ cá ở hồ Tây.

Hiện tượng cá chết ở hồ Tây kéo dài từ tháng 9 đến nay. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngoài ra, quận này cũng đề nghị Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) rà soát, quan trắc các điểm xả nhằm đánh giá chất lượng nước để có biện pháp xử lý thích hợp.

Từ cuối tháng 9 đến nay, tại hồ Tây xuất hiện tình trạng cá chết trôi dạt vào ven đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân, bao gồm: Hàm lượng oxy trong nước giảm, cá trong hồ nhiều, cá bị bệnh, nước ô nhiễm và có khí độc (do bùn, tảo gây ra)...

Từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý khai thác hồ Tây được giao cho 7 sở, ngành thành phố quản lý, đan xen theo lĩnh vực chuyên ngành, không có một đầu mối quản lý thống nhất.

Điều này dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện quản lý hồ; khó khăn, bất cập khi tổ chức khai thác, bảo vệ các giá trị của hồ Tây.

Trước thực trạng nhiều đầu mối quản lý nhưng không có đầu mối thống nhất, Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng phối hợp với sở, ngành có liên quan tham mưu ban hành quyết định về quy định quản lý hồ Tây, trong đó, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối trong việc quản lý, khai thác hồ Tây.