Hà Quảng là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng. Huyện có 21 xã, thị trấn, 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Huyện đang nỗ lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo trong năm 2025.
Với số vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng được giao trong quý I /2024, Hà Quảng đã tập trung triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này giúp nâng cao thu nhập cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt và tiếp cận thông tin.
Cũng từ nguồn vốn của chương trình, Hà Quảng đã tập trung đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từng bước giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là người dân khu vực lục khu, các xã vùng cao của huyện.
Những tháng đầu năm 2024, người nghèo, cận nghèo tại huyện Hà Quảng tiếp tục được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ thông qua tham gia các dự án, mô hình sinh kế, qua đó các nhóm đạt tiêu chí tại địa bàn ngày càng tăng cao.
Trước đây, gia đình anh Lý Văn Nó, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, sống trong ngôi nhà chật chội, dựng bằng các tấm ván cũ nát và cọc tre. Được chính quyền địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà ở theo đúng tiêu chí "3 cứng": Cứng nền, cứng khung - tường, cứng mái, anh đã có căn nhà có nền bê tông, cột gỗ, mái tôn. "Nhà cũ dột nát, mỗi khi mưa to, gió lớn chỉ sợ đổ, nguy hiểm. Bây giờ mưa gió không sao, yên tâm rồi!”, anh phấn khởi nói.
Không chỉ được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà ở, gia đình anh còn được hỗ trợ 1 con bò cái để nuôi sinh sản. Căn nhà mới kiên cố và sinh kế quý giúp gia đình anh Nó ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Hà Quảng đã vận dụng nhiều chương trình, dự án để chăm lo nhà ở cho người nghèo, cận nghèo, xóa được hàng nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát, thay thế bằng nhà kiên cố, vững chãi. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản những hộ gia đình có nhà tạm, nhà chưa an toàn sẽ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Lãnh đạo UBND huyện Hà Quảng cho biết năm 2024, huyện được giao xóa 1.134 nhà tạm, nhà dột nát. 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã thực hiện được gần 450 nhà, đúng tiến độ đề ra.
Xóm Lũng Tỷ, xã Lương Thông là nơi sinh sống của hơn 50 hộ dân tộc Mông, Dao. Trước đây, cuộc sống của bà con khó khăn; trẻ em không được đến trường; không có điện, nước sinh hoạt phụ thuộc vào thiên nhiên; đường lên xóm rất dốc và hiểm trở. Khi trời mưa đường trơn trượt, xóm dường như bị cô lập.
Từ khi có các chương trình giảm nghèo bền vững, đầu tư phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đời sống bà con trong xóm đã có nhiều đổi thay. Đến nay, đường vào xóm được đầu tư, mở rộng, người dân được sử dụng nước sạch, 100% hộ có điện lưới quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học.
Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều hộ trước đây chỉ quen trồng cây ngô giống địa phương 1 vụ/năm thì nay đưa giống mới vào gieo trồng, thâm canh 2 vụ/năm. Ngoài cây ngô, bà con trồng thêm đỗ tương, lạc, chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng lúa nước cho năng suất cao. Đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, lợn, gà… mang lại hiệu quả kinh tế.
Tại xã Thượng Thôn, nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, sau khi chuyển đổi giống cây trồng, trồng ngô lai, chăn nuôi lợn, gà để phát triển kinh tế. Nhiều gia đình được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách để mua con giống, làm nhà, nhờ thế không ít gia đình đã thoát nghèo.
Đến nay, mức thu nhập bình quân người dân ở huyện Hà Quảng đạt hơn 24 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2021. Lãnh đạo UBND huyện cho biết huyện chú trọng hỗ trợ người dân về vốn sản xuất, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã hay các mô hình sản sản xuất gắn với cộng đồng.
Những hoạt động này tạo ra sinh kế và thu nhập cho người dân, góp phần bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, giúp giảm nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo huyện Hà Quảng từ năm 2020 đến nay có chuyển biến rõ rệt, từ 4% đến 6% hộ nghèo/năm. Huyện phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Hà Quảng cũng nhìn nhận thực tế những khó khăn trên hành trình giảm nghèo của địa phương này. Trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện còn yếu và thiếu, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đời sống, mức thu nhập của nhân dân vẫn ở mức thấp so với bình quân chung cả tỉnh.
Cùng đó, nguồn ngân sách của huyện còn hạn hẹp, điều kiện kinh tế gia đình các hộ nghèo rất nhiều khó khăn, việc chủ động huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo gặp nhiều vướng mắc.
Đặc biệt, nhận thức của một số hộ dân còn hạn chế, do vậy, công tác phổ biến chính sách, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các mô hình sản xuất chưa phát huy được, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài số lượng còn hạn chế.