Chỉ mới xuất hiện ở xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vài năm trở lại đây nhưng dâu tây đang ngày càng khẳng định giá trị và vai trò quan trọng của nó trong việc phát triển kinh tế cũng như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương. Là loại quả được ưa chuộng nên dâu tây có đầu ra ổn định, giá bán cao, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người trồng.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Sơn La định hướng phát triển vùng cây dâu tây gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nên chủ động tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh doanh, tích cực hướng dẫn các hộ chăm sóc cây theo quy trình VietGAP, hữu cơ, thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”… để sản phẩm quả dâu ngon, sạch, an toàn, tạo lòng tin với người tiêu dùng.

W-giam ngheo tin 22.jpg
Dây tây trở thành một loại cây chủ chốt trong chương trình giảm nghèo.

Là giống cây có nguồn gốc ôn đới nên dâu tây rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Cò Nòi. Cây cho trái thu hoạch trong giai đoạn mùa đông và đầu xuân, từ tháng 12 đến tháng 3. Với dâu tây, Cò Nòi đã làm tốt công tác khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để tạo đòn bẩy thoát nghèo. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tìm tòi, học hỏi nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp thu kịp thời sự thay đổi của thị trường để áp dụng vào thực tế sản xuất như tận dụng các kênh bán hàng online để tạo đầu ra cho sản phẩm. 

Hội Nông dân xã Cò Nòi với trên 30 chi hội vài hơn 1.500 hội viên. Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được Hội Nông dân xã Cò Nòi triển khai sâu rộng, hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh các trang trại trồng dâu tây, xã còn có nhiều mô hình tạo sinh kế bền vững giúp bà con giảm nghèo hiệu quả như nuôi bò nhốt chuồng, chăn nuôi dê kết hợp với trồng cỏ, mô hình trồng cây na…