Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu với mục tiêu đảm bảo sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động phát sinh từ sự cố tràn dầu đến môi trường sinh thái, kinh tế và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó là việc hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách, lực lượng, phương tiện cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu; phân định trách nhiệm, xây dựng lực lượng nòng cốt trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh; cung cấp thông tin cần thiết để tổ chức, cá nhân và đơn vị liên quan có thông tin, hướng dẫn đảm bảo công tác ứng phó nhanh chóng, an toàn và hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra.

anh bienss.jpg
Hoạt động đi lại của tàu thuyền trên biển cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

Đồng thời, kế hoạch ứng phó này cũng làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên ở các cấp, sẵn sàng thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu theo phương châm “4 tại chỗ”; tổng hợp các thông tin nhằm phục vụ cho việc đánh giá các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm cao, những khu vực nhạy cảm cần được ưu tiên bảo vệ và cung cấp thông tin để phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu kịp thời, hiệu quả; xây dựng quy trình ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh có hệ thống, đồng bộ để tổ chức ứng phó kịp thời và hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra.

Các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu gồm kho xăng dầu, cửa hàng xăng dầu, các cơ sở sản xuất có lưu chứa xăng dầu, bến cảng xăng dầu trên sông, cảng thủy nội địa, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên sông, cảng xăng dầu, điểm chuyển tải xăng dầu, hoạt động giao thông trên biển, trên sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu….

Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó và xử lý kịp thời các sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh làm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường của nhà nước và nhân dân, kế hoạch đặt ra yêu cầu chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát với tình hình thực tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác ứng phó, vận dụng phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó sự cố tràn dầu; chủ động xây dựng phương án và các tình huống, đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tràn dầu cho các lực lượng nòng cốt của tỉnh để có đủ năng lực ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.

Huy động mọi nguồn lực của tỉnh tham gia ứng phó sự cố, ưu tiên hoạt động cứu người trước, sau đó đến ứng phó và bảo vệ môi trường; chủ động ngăn chặn và cô lập, hạn chế không cho dầu tràn lan rộng ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguồn nguy cơ lan tỏa dầu tràn, xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực cần ưu tiên bảo vệ.

Các biện pháp ứng phó được đặt ra bao gồm: Ngăn chặn nguồn dầu tràn và công tác phòng cháy chữa cháy; khoanh vùng khu vực dầu tràn; thu hồi dầu tràn; tổ chức khắc phục hậu quả về môi trường.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh Hà Tĩnh đã được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt; Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ngành, lực lượng nòng cốt, lực lượng tham gia tổ chức ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống tràn dầu cấp tỉnh xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh; Bảo đảm ngân sách cho đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tràn dầu; bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu; diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh; bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên cho Ban chỉ huy và các cơ quan thường trực trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu.

Quang Ninh và nhóm PV, BTV