Chú trọng các hoạt động tuyên truyền
Thời gian qua, công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn Hà Tĩnh được triển khai chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt, sát thực tiễn.
Hằng năm, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan tổ chức các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quan tâm chăm lo đời sống cho người dân để có cuộc sống ổn định, tránh trở thành nạn nhân.
Công tác hợp tác quốc tế được triển khai thường xuyên, nhất là trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người với lực lượng chức năng của tỉnh Bolikhămxay và tỉnh Khăm Muồn (Lào).
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về tội phạm mua bán người cùng các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này trong tình hình mới được chú trọng. Nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy tuyên truyền về phòng, chống mua bán người thu hút đông người tham dự.
Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn này.
Sáng 30/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Can Lộc tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7). Tham dự lễ phát động có Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Lệ Hà, đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện cùng 200 phụ nữ, người dân thị trấn Đồng Lộc và xã Mỹ Lộc.
Lễ phát động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7 năm 2023 nhằm tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống mua bán người cho hội viên, phụ nữ và nhân dân; góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hoà nhập với cộng đồng.
Tại lễ phát động, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Lệ Hà thông tin, tội phạm mua bán người ngày càng hoạt động tinh vi với nhiều thủ đoạn, các đối tượng là cá nhân hoặc nhóm người có thể gây án xuyên quốc gia.
Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage… Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố cả nước. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%).
Bên cạnh đó, còn xuất hiện các đối tượng trong nước cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau, như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật... Thậm chí, có những đối tượng lừa cả người thân trong nhà.
Tại Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 1 vụ/2 bị can/13 nạn nhân về tội mua bán người. Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 5 vụ/18 bị can về các tội danh liên quan đến mua bán người.
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh xác định nhiệm vụ phòng chống mua, bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và Hội là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đoàn thể địa phương bằng nhiều hình thức tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến cộng đồng về nạn mua bán người. Các cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh chung sức, đồng lòng, đồng hành trong công tác phòng, chống mua bán người. Mỗi người dân cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.
Tại buổi lễ, người dân được tuyên truyền các thông tin liên quan để tìm hiểu và trang bị kiến thức về phòng, chống mua bán người và tham gia giao lưu, trả lời các câu hỏi nhận thức về các hành vi tội phạm mua bán người.
Trước lễ phát động, hơn 200 người là hội viên phụ nữ và đại diện các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Can Lộc đã tham gia diễu hành, tuyên tuyền Ngày toàn dân phòng chống mua bán người.
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Nạn nhân của mua bán người là một trong những đối tượng yếu thế, có tính đặc thù do phải chịu những tổn thất về cả thể chất lẫn tinh thần sau một thời gian bị bóc lột, giam giữ, lạm dụng, tra tấn đánh đập; có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm; không có việc làm, thiếu định hướng trong cuộc sống... Vì vậy, họ rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách toàn diện, kịp thời để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, công tác nắm tình hình tuyến, địa bàn, tình hình hoạt động của các đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; công tác hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh quan tâm thực hiện.
Đầu năm 2023, đoàn cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm, động viên và trao gói hỗ trợ cho chị N.T.H, nạn nhân bị buôn bán người trú ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên.
Chị N.T.H, sinh năm 1994 là bệnh nhân tâm thần phân liệt. Theo thông tin do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm Lĩnh cung cấp: Tháng 3/2018, chị bị lừa bán sang Trung Quốc, đến tháng 5/2020 chị trốn được về Việt Nam. Chị N.T.H đang là mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ 5 tuổi. Ngay sau khi trở về, chị được chính quyền địa phương hỗ trợ về thủ tục, giấy tờ.
Hiện, chị H. không thể giao tiếp, làm chủ hành vi. Hàng tháng chị được nhận thuốc miễn phí từ viện. Chị và con được nhận hỗ trợ tiền mặt hàng tháng từ Nhà nước là 720.000 đồng.
Về công tác tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp cùng các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện.
Gần đây nhất, chiều 13/6, tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tiếp nhận 6 nạn nhân người Việt Nam làm việc tại Lào, có dấu hiệu bị mua bán qua biên giới.
Trong số 6 nạn nhân có 4 nam trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; 1 nữ trú tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắc Lắc và 1 nạn nhân nam trú tại thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Các nạn nhân này bị các đối tượng dụ dỗ đưa sang Lào làm việc sau đó bị khống chế, đe dọa, ngược đãi, đánh đập, ép buộc gọi điện về cho gia đình gửi tiền chuộc với tổng số tiền lên đến 2,5 tỷ đồng.
Trước đó, nhận được tin báo của 5 gia đình tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắc Lắc về việc con của các gia đình có dấu hiệu bị lừa đưa đi lao động, sau đó bị khống chế, đe dọa, ngược đãi, đánh đập tại một casino của người nước ngoài làm chủ thuộc Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã nhanh chóng cử lực lượng xác minh, làm rõ, đồng thời, báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.
Ngày 10/5/2023, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã có văn bản gửi Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát (thuộc Bộ An ninh Lào) đề nghị phối hợp giải cứu các nạn nhân; chỉ đạo Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và Bộ đội biên phòng các tỉnh tuyến Việt - Lào tăng cường lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng của Lào tiến hành giải cứu các nạn nhân.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh tiếp nhận nạn nhân bị mua, bán, bố trí chỗ ăn, ở phù hợp với giới tính, lứa tuổi. Cùng với đó, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, việc làm… cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội. Phối hợp cơ quan công an, ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã gặp gỡ, động viên, chia sẻ và tặng quà cho các nạn nhân, đồng thời bố trí phương tiện, lực lượng đưa đón các nạn nhân và gia đình về quê an toàn.