Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, để kiểm soát, đánh giá và dự báo các nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh, hằng năm tỉnh thực hiện việc đánh giá chất lượng nước mặt tại các sông, suối, hồ, khe, đập... trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh theo chương trình quan trắc mạng lưới định kỳ; thực hiện lấy mẫu tại 61 vị trí, tần suất 06 lần/năm.
Theo số liệu quan trắc mạng lưới năm 2021 chất lượng nước mặt tại một số sông, suối có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm chất hoạt động bề mặt, dầu mỡ, xyanua và nhóm kim loại, tuy nhiên vẫn đang tồn tại một số nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất dinh dưỡng (amoni, photphat), chất hữu cơ và đặc biệt là sự gia tăng về hàm lượng sắt, mangan. Ngoài ra, chất lượng nước mặt tại các hồ đập chưa bị ô nhiễm bởi chất dinh dưỡng, kim loại nặng... Chất lượng nước mặt tại các nguồn tiếp nhận nước thải từ các thị trấn, thị tứ và các khu dân cư nông thôn tập trung như sông Rào Mỹ Dương (huyện Nghi Xuân), sông Già (Thạch Hà), sông Nghèn (Can Lộc), sông Ngàn Phố (Hương Sơn), sông La (Đức Thọ) cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm các thông số BOD5, COD, Fe, Mn, amoni, Coliform... Qua kết quả đánh giá, cho thấy, những vị trí có ô nhiễm, chủ yếu tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản và chịu tác động của nắng nóng cũng như mưa lũ.
Qua kết quả phân tích, quan trắc định kỳ chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh, nhận định các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường nước mặt được xác định là chất thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chợ, cơ sở y tế, các hoạt động giao thông trên sông rạch, khai thác khoáng sản trên sông, nước chảy tràn qua các cánh đồng có sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nếu các nguồn thải này không qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường gây nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.
Chính vì vậy, tỉnh đã triển khai các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thải. Đối với các cơ sở có phát sinh lượng nước thải lớn như Công ty FHS, Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, tỉnh đã yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, kết nối và truyền số liệu quan trắc tự động nước thải về Trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động tại Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo đúng quy định. Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các khu công nghiệp (KCN) (KCN Vũng Áng và KCN Gia Lách); yêu cầu các KCN, cụm công nghiệp (CCN) đầu tư mới phải đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động (KCN Phú Vinh, CCN Yên Huy, CCN Cổng Khánh 2, CCN Xuân Lĩnh). Đối với các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN hoặc trong các KCN, CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải để xử lý đạt QCVN trước khi thải ra nguồn tiếp nhận và thực hiện báo cáo quan trắc môi trường định kỳ theo quy định. Qua theo dõi, giám sát chất lượng nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp thời gian qua cho thấy hầu hết đều đạt QCVN.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp như hạn chế, tiến tới giảm dần lượng bao bì hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV) phát sinh trong sản xuất nông nghiệp; quản lý, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV phát sinh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4661 bể chứa. Việc xây dựng bể thu gom bao gói thuốc BVTV đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng vứt bừa bãi trên đồng ruộng gây ô nhiễm đất, nguồn nước.
Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi. Triển khai và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bảo vệ môi trường như: Sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, xây bể biogas, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học... Đồng thời quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị đảm bảo yêu cầu không úng ngập và vệ sinh an toàn cho cộng đồng.