Cuối tháng 8/2024, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả sau 13 năm bền bỉ phấn đấu trở thành niềm tự hào, động lực cổ vũ cho huyện tiến bước trên chặng đường mới.
Không chỉ Kỳ Anh, trên chặng nước rút năm 2024, huyện miền núi Hương Khê cũng tiến gần với mục tiêu huyện nông thôn mới. Hương Khê đang tập trung thực hiện các tiêu chí cấp huyện có khối lượng công việc lớn. Từ đầu năm, 11 tuyến đường huyện có chiều dài hơn 60 km (tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng) được đồng loạt khởi công, xây dựng. Toàn huyện như một đại công trường, gấp rút chạy đua với thời gian.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các sở, ngành trong ưu tiên áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh cho các công trình, Hương Khê nỗ lực huy động nội lực, tăng thu ngân sách và các nguồn xã hội hóa để sớm triển khai đảm bảo tiến độ.
Ngoài Kỳ Anh, Hương Khê, từ đầu năm tới nay, tất cả các huyện khác của Hà Tĩnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tiếp tục bám sát chỉ đạo của tỉnh, tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí, đảm bảo đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, tạo tiền đề hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Ở nhiều địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới được “giữ lửa” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân; nhiều sáng kiến, cách làm hay đã giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Tại huyện Thạch Hà, để giải bài toán về môi trường trong bối cảnh quy mô các nhà máy xử lý rác ở 3 xã Việt Tiến, Thạch Trị, Thạch Lạc không đáp ứng nhu cầu, huyện tập trung triển khai công tác phân loại rác tại nguồn. Đến nay, toàn huyện có 29.397/41.254 hộ có bố trí 3 giỏ/thùng chứa rác và thực hiện phân loại rác (tỷ lệ 71,71%); trong đó có 11.759 hộ có công trình, biện pháp ủ chất thải hữu cơ.
Nhờ đó, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn là 71,5 tấn/ngày nhưng có đến 32,96 tấn đã được người dân tự xử lý tại hộ. Qua đó, giảm tải rất nhiều cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và giúp các địa phương hoàn thành tốt tiêu chí môi trường.
Tương tự, những ngày này, cả hệ thống chính trị huyện Đức Thọ vào cuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng chất các tiêu chí cấp xã theo chuẩn mới đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cùng huyện tiến tới mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết, đến nay, huyện hoàn thành 5/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao (Quy hoạch; Thủy lợi và phòng chống thiên tai; Điện; Kinh tế; An ninh trât tự, hành chính công). Địa phương đang tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực đảm bảo đạt chuẩn các tiêu chí chưa đạt; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là thu nhập, chất lượng môi trường sống, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, phấn đấu có thêm ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để đạt tỷ lệ 50% số xã trên địa bàn đạt nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia…
Theo ông Ngô Đình Long, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, tất cả các huyện đã tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Báo cáo từ các địa phương cho thấy, việc cập nhật để đảm bảo đạt chuẩn mới có một số nội dung khó như: giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn... Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là các địa phương nỗ lực bám sát từng tiêu chí khó, huy động nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành đảm bảo khung kế hoạch.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là yêu cầu đầu tiên trong 8 nội dung cần phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tiền đề để bước tới những nấc thang ngày càng cao hơn trong hành trình xây dựng nông thôn mới vốn chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.