Tại Kỳ họp thứ 27 ngày 14/11, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua 10 nghị quyết, trong đó có quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết, hiện tại các khu đô dân cư của Hải Dương chỉ có 510 hộ chăn nuôi, số lượng khoảng hơn 40 nghìn con, chiếm 0,2% trên tổng đàn chăn nuôi toàn tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua các hộ đã tự dừng chăn nuôi vì việc này ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng và của người dân.

"Đến nay, chỉ còn một hộ dân ở huyện Nam Sách còn chăn nuôi, tới đây tỉnh sẽ tiến hành hỗ trợ di dời ra khỏi khu dân cư không được phép. Tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện cấm chăn nuôi tại 270 khu dân cư ở các phường, thị trấn", ông Quân nhấn mạnh.

chan nuoi 1 1719997270833132494884.jpg
Hải Dương hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khu vực không được phép. Ảnh minh họa: Nguyễn Chương.

Liên quan đến vấn đề này, theo giám sát của HĐND tỉnh Hải Dương, còn nhiều khu vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang gây ô nhiễm, nhất là ở vùng nông thôn, nhưng việc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương còn gặp khó khăn. 

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát, tham mưu, cụ thể các quy định để việc xử lý thuận lợi, hiệu quả.

Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Hải Dương ban hành quy định rõ các khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi các loại vật nuôi, bao gồm gia súc, gia cầm và các loại động vật khác trong chăn nuôi; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định dự thảo nghị quyết này được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.

Để triển khai thực hiện, Sở NN-PTNT tỉnh đề xuất hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có cho cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở; hỗ trợ 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

Ngoài ra, kiến nghị hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác, mức hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản/người.

Nguồn hỗ trợ trích từ ngân sách cấp tỉnh và huyện.