Việc ghi nhớ, tôn vinh công lao của một văn nghệ sỹ không hề là một việc đơn giản, mà đòi hỏi có thời gian, nhiều công sức, sự phối hợp, thống nhất của nhiều cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy là sau Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, mùa thu này, một con phố mới “Cốm sữa vỉa hè thơm dấu chân qua” ở Tây Hồ được trang trọng đặt tên và gắn biển Trịnh Công Sơn, cùng với một con đường thu “…ngõ dài xao xác heo may” và “…thềm nắng lá rơi đầy” mang tên nhà văn Nguyễn Đình Thi. Đó là những con đường “lãng mạn và đẹp nhất Hà Nội” như dư luận từng khen tặng.

Sự kiện này ngay lập tức tạo dấu ấn không chỉ với công chúng yêu nhạc Trịnh, khâm phục tài năng của Nguyễn Đình Thi, mà cả đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là anh em văn nghệ sỹ trong và ngoài nước.

Trước hết, nhiều người đồng tình với ý kiến của tác giả bài Hoa sữa nổi tiếng, nhạc sỹ Hồng Đăng, khi ông khẳng định “chứng tỏ anh- tức nhạc sỹ họ Trịnh- được ghi nhận với con mắt phóng khoáng. Cách nhìn thày khiến văn nghệ sỹ thêm phấn khích, họ thấy được cái tình”.

Có mặt tại buổi lễ gắn biển tên đường, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tich Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết “Qua các di sản văn hóa mà hai ông để lại, mỗi người chúng ta luôn cảm thấy bên mình luôn có một Nguyễn Đình Thi, luôn có một Trịnh Công Sơn. Cảm giác đó thật là hạnh phúc bởi được làm một người của mọi người, được làm một người của mọi thời…

***

Bỗng dưng người viết nhớ lại một sự kiện, có lẽ cũng bình thường, diễn ra tại Hội nhà văn Việt Nam hồi tháng 9.2012. Ấy là dịp kỷ niệm 100 năm nhà văn Nguyễn Thanh Châu, người gắn liền với một nghi án văn chương rất nổi tiếng thời tiền chiến Hai sắc hoa Ti-gôn.

Với tư cách Chủ tịch Hội, chủ trì hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc bấy giờ kết luận có 3 việc phải làm đối với nhà văn Nguyễn Thanh Châu. 1, Hội nhà văn sưu tầm các tác phẩm của Nguyễn Thanh Châu , tâp hợp và xuất bản ngay trong năm 2012. 2, sưu tầm mọi hiện vật liên quan đến nhà văn để trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. 3, lưu ý đến năm 2017 (tức 10 năm sau khi nhà văn qua đời -  2007) sẽ có công văn đề nghị đến các cơ quan liên quan để đặt tên Nguyễn Thanh Châu cho một đường phố, trường học hoặc một công trình văn hóa… nhằm ghi nhớ công lao nhà văn đối với đất nước.

{keywords}

 Hà Nội đã có con đường mang tên người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Ảnh: Kênh 14

Ba việc lớn mà nhà thơ Hữu Thỉnh kết luận nói trên trước tiên và sau cùng phần lớn vẫn thuộc về công việc thường xuyên, lâu dài của Hội nhà văn Việt Nam. Trong đó, công việc sưu tầm in ấn tác phẩm, trưng bày hiện vật tại bảo tàng nằm trong “tầm tay” của Hội. Việc đặt tên nhà văn cho một con phố, một công trình là do Hội đề xuất đủ thời gian sau khi nhà văn qua đời theo quy định, bao gồm cả việc đại diện Hội nhà văn tham gia trong thành phần Hội đồng tư vấn của thành phố và tham gia góp ý kiến trong nội dung xin ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân trước khi trình Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định.

Kể lại câu chuyện này để thấy, việc ghi nhớ, tôn vinh công lao của một văn nghệ sỹ không hề là một việc đơn giản, mà đòi hỏi có thời gian, nhiều công sức, sự phối hợp, thống nhất của nhiều cơ quan có thẩm quyền. Và cũng để thấy, đối với những trường hợp đặc biệt như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Thi…, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định vào ngày 06.07.2015 và tổ chức lễ gắn biển tên đường vào ngày 26.8.2015 là một việc làm đầy ý nghĩa trên đất thủ đô nghìn năm văn hiến.

Cũng có nghĩa là trên mảnh đất hội tụ nhiều tinh hoa của đất nước, người có công lao như nhà văn Nguyễn Thanh Châu, nếu mọi việc suôn sẻ theo quy trình thì gần đây thôi, tới năm 2017 Hà Nội sẽ có một con đường mang tên ông và con đường thơ mộng đó sẽ có màu hoa Ti-gôn thương nhớ..?

***

Cũng tự dưng người viết nhớ tới câu chuyện nhà văn Đức Ban ở Hà Tĩnh kể, khi ông nói về người bạn văn nghệ cùng ngày tháng năm sinh (10.01.1949) là nhà thơ Lê Thái Sơn ở Nghệ An.

Lúc đó, nhà thơ Lê Thái Sơn bị bệnh nặng, phải điều trị ở Hà Nội. Đánh đường từ trong quê ra thăm bạn, những mong nói một lời động viên chân thành thì lại được bạn cười to và… động viên lại mình! Nhà thơ Lê Thái Sơn hồ hởi thông báo: Thành phố Vinh đã có quyết định đặt tên đường Trần Hữu Thung, đường Minh Huệ… rồi. Mừng lắm…

Thì đây, từ năm 2010, Hội đồng tư vấn về đặt tên đường, đổi tên đường ở Thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An đã ra thông báo về “Ngân hàng tên danh nhân văn hóa” và dự kiến việc đặt tên, đổi tên đường để mọi người dân tham gia ý kiến theo quy định. Điều khác với Hà Nội, đối với danh nhân ở Nghệ An, sau khi mất 5 năm là đủ điều kiện đưa ra xin ý kiến và quyết định. Người viết sau này đã xem lại “Ngân hàng tên danh nhân”, trong đó có đầy đủ các lĩnh vực, đầy đủ các nhân vật xuất sắc, những người nổi tiếng vừa ra đi như Trần Hữu Thung, Minh Huệ… đã được trân trọng ghi danh thì quả là điều vô cùng kịp thời và đáng quý.

Thật không dám chắc đường Trịnh Công Sơn ở Thừa Thiên- Huế, ở Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh có “đẹp và thơ mộng nhất” như ở Hà Nội hay không? Cũng như chưa thể hình dung được đường Trần Hữu Thung ở TP. Vinh có là con đường sát cánh đồng để qua đây ai cũng hình dung “Lúa níu anh trật dép” hay không?

Nói cho cùng, những ước mong đó thật giản dị nhưng không hiểu sao lâu nay thật khó để biến thành hiện thực sống động trong mắt những người yêu văn học và yêu mến những nhà thơ – nhạc sỹ của tâm hồn mình.

Vậy hãy thử đi trên đường Trịnh Công Sơn ở Tây Hồ vào mùa thu cốm xanh, dưới cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… và khẽ ngân lên giai điệu bài hát ấy.

Và hãy đọc lại câu thơ tuyệt tác của Nguyễn Đình Thi “…Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” và thử ngắt nhịp sao cho hay nhất, nhiều liên tưởng nhất về một bức tranh thu Hà Nội.

Để yêu hơn, quý hơn những gì ít ỏi đang có trong tay mình…

Châu Phú