Sergey Brin (trái) và Larry Page |
Trong nhiều biến cố gần đây của Google liên quan đến chống độc quyền, hoạt động tại Trung Quốc hay hợp đồng quân sự, hai đồng sáng lập đều không xuất hiện. Phải đến ngày 30/5, trong hội nghị TGIF gần nhất, người ta mới nhìn thấy các ông trùm này.
Tại đây, theo một người tham dự, Page và Brin nói về chiến lược đám mây của công ty. Google xác nhận hai nhà sáng lập có mặt tại TGIF nhưng từ chối cung cấp chi tiết về các thông tin khác. Không rõ vì sao họ quyết định làm vậy nhưng dù sao sự hiện diện của họ cũng chấm dứt chuỗi ngày mất tích vô cùng bí ẩn.
Việc họ biến mất lâu như vậy bị một số người chỉ trích là lẩn tránh trách nhiệm trong giai đoạn xáo trộn bậc nhất lịch sử 20 năm Google. Khi Page và CEO Sundar Pichai được mời đến phiên điều trần của Quốc hội, cả hai đều từ chối. Vào tháng 4, BuzzFeed đưa tin Page và Brin cũng không tới hội nghị TGIF.
Hội nghị TGIF đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Google kể từ những ngày đầu tiên. Đây là cơ hội để lãnh đạo công ty nói chuyện với hơn 100.000 nhân viên, đưa ra các tuyên bố, nhấn mạnh dự án và sản phẩm nổi bật, nhận câu hỏi từ cấp dưới.
Song khi các vấn đề của Google ngày một nghiêm trọng, hai nhà sáng lập lại lui về hậu trường. Công ty bị tấn công từ nhiều phía, bao gồm cuộc điều tra chống độc quyền từ Bộ Tư pháp, cáo buộc kiểm duyệt và thiên vị chính trị từ phía bảo thủ. Goolge còn bị chính nhân viên của mình chống lại trong hai dự án Maven với Lầu Năm Góc và Dragonfly tại Trung Quốc.
Gần đây nhất, YouTube còn bị la ó vì không xóa kênh của Steven Crowder, nhà hài kịch dùng những từ ngữ không hay với Carlos Maza, một nhà báo đồng tính của Fox.
Page và Brin bắt đầu ẩn dật trước cả khi các tranh cãi nổi lên. Năm 2015, Pichai trở thành gương mặt công chúng của Google khi công ty tái cấu trúc, chuyển thành Alphabet. Theo đó, Pichai trở thành CEO, Page làm CEO Alphabet còn Brin là Chủ tịch.
Người phát ngôn Google cho biết tái cấu trúc Alphabet cho phép Page và Brin có thêm thời gian cho các dự án dài hơi khác của công ty.