Tính đến hết năm 2022, toàn thành phố Hải Phòng có 373 Hợp tác xã (HTX), Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), Quỹ Tín dụng nhân dân đang hoạt động. Các thành viên đã phát huy tinh thần đoàn kết thực hiện liên kết, tạo điều kiện giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất, hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng hiệu quả về đất đai, lao động, vật tư. Để tạo điều kiện cho người nông dân có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, công tác khuyến nông trong phát triển kinh tế hợp tác, hộ gia đình có vai trò hết sức quan trọng.

Tham luận tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII được tổ chức mới đây, bà Lê Thị Đức - Trưởng phòng Đào tạo, Thông tin và Tuyên truyền -Trung tâm Khuyến nông thành phố Hải Phòng cho biết: Công tác khuyến nông cung cấp cho tổ hợp tác (THT), HTX, người nông dân các kiến thức, kỹ thuật mới về sản xuất nông nghiệp, đào tạo kỹ năng quản lý kinh tế, cung cấp thông tin thị trường và các chính sách hỗ trợ. Nhờ đó, người nông dân có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, công tác khuyến nông cung cấp cho người nông dân các phương pháp canh tác, chăm sóc cây trồng và vật nuôi đúng cách, giảm thiểu rủi ro từ các thảm họa tự nhiên và các dịch bệnh. Trong phát triển các mô hình kinh tế hợp tác (KTHT), công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các mô hình KTHT, giúp người nông dân có thể cùng nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

HTX Hải Phòng.jpg
Hoạt động khuyến nông cung cấp cho các thành viên HTX những tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, quy trình sản xuất thực hành hữu cơ...

Nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân, thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, diễn đàn. Các hoạt động khuyến nông cung cấp cho các thành viên HTX những tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, quy trình sản xuất thực hành hữu cơ, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất hữu cơ, sản xuất theo quy trình VietGAP,... sản xuất hàng hóa chất lượng cao có liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó góp phần phát triển KTHT, HTX.

Trong việc đồng hành, hỗ trợ HTX chuyển đổi số, Trung tâm đã xây dựng chuyển giao mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp thông qua tác động kỹ thuật số đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng; tư vấn, hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp thông qua các trang mạng  https://www.khuyennongvn.gov.vn, https://www.hpap.vn trong tuyên truyền quáng bá giới thiệu, truy xuất nguồn gốc, quản lý, đăng ký mã số vùng trồng; ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, hiểu và nắm rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của thị trường; Huớng dẫn sử dụng nền tảng số trong quản lý các hoạt động của HTX.

Đối với hỗ trợ phát triển KTHT, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ cho HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ Hà Nhuận, xã An Hòa, huyện An Dương triển khai mô hình phát triển vùng nguyên liệu khoai tây hàng hóa tập trung gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 15ha. Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong mô hình như: sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; chế phẩm sinh học, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thu hoạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình đã giảm công lao động từ 30 - 50%, tăng hiệu suất lao động; năng suất trung bình đạt 22 tấn/ha (330 tấn/15ha), được Viện Công nghệ sinh học ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm; Hiệu quả kinh tế mô hình khoai tây tăng 2,5% so với sản xuất đại trà, lãi thuần đạt 97.439.000 đồng/ha.

Cùng với đó, Trung tâm đã hỗ trợ cho HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Liên Khê, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên triển khai Mô hình phát triển, cải tạo vùng nguyên liệu trồng na tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 12ha. Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP, tư vấn quy trình kỹ thuật thâm canh na theo quy trình VietGAP, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, giới thiệu quảng bá sản phẩm na Liên Khê ra thị trường và trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tập trung hỗ trợ đối tượng là nông dân tích tụ ruộng đất, có đủ điều kiện tham gia mô hình khuyến nông, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và hộ gia đình, bà Đức cho biết công tác khuyến nông cần tư vấn cho các hộ gia đình và HTX về kỹ thuật sản xuất, giúp họ áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn các hộ gia đình và HTX vay vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giúp họ phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; hỗ trợ, tư vấn cho các HTX, hộ gia đình tiếp cận, kết nối được với thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện cho họ tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm.

  Đặc biệt, khuyến nông cần đưa ra các chính sách khuyên khích hợp tác giữa các hộ gia đình và HTX, đẩy mạnh việc hợp tác sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường và tăng cường sức cạnh tranh; xây dựng năng lực quản lý; tăng cường truyền thông và tuyên truyền để giới thiệu về các chính sách, kỹ thuật mới, lĩnh vực hoạt động kinh doanh, sản phẩm, thương hiệu của các hộ gia đình và HTX, giúp người tiêu dùng nhận biết và ủng hộ sản phẩm.

Minh Thuý và nhóm PV, BTV