Mở thẻ miễn phí, còn nhận được tiền trong tài khoản
Nữ công nhân Lê Thị Luyến - nhà ở hẻm 43 Bùi Văn Thủ, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM - kể, chị nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mời chào mở thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc vay vốn. Theo “nhân viên” này, ngân hàng đang chạy doanh số, có chương trình khuyến mãi nên nếu mở thẻ ATM, sẽ không tốn phí, lại còn nhận được 200.000 đồng trong tài khoản. Người này còn thuyết phục chị Luyến rủ bạn bè mở thẻ để được chiết khấu hoa hồng 100.000 đồng/người.
Những lời rao mời mở thẻ ATM tràn ngập trên các diễn đàn sinh viên |
Theo chị Luyến, rất nhiều đồng nghiệp của chị cũng thường xuyên nhận được cuộc gọi mời chào vay vốn, làm thẻ ATM tại nhiều ngân hàng để nhận được hoa hồng là 200.000 đồng/thẻ. Có người đã làm thẻ để bán, nhưng bán cho ai thì chị Luyến không rõ.
Tình trạng mời chào “làm thẻ ATM được tặng tiền” còn xuất hiện tràn ngập trên các diễn đàn sinh viên. Trên fanpage Facebook “Việc làm cho sinh viên tại Cần Thơ”, nickname Cẩm Vân lấy lý do chi nhánh đang chạy doanh số thẻ, rao “đăng ký làm thẻ ATM của Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Vietcombank nhận ngay 220.000đồng/người, trong đó gồm 120.000 đồng tiền mặt và 100.000 đồng trong thẻ”. Nickname này còn hứa tặng voucher 190.000 đồng dành cho mua sắm online. Điều kiện mở thẻ là “chỉ cần có chứng minh nhân dân gốc, chưa đủ 18 tuổi vẫn được”. Tại các fanpage khác, các nickname còn tăng mức ưu đãi lên gần 300.000 đồng/thẻ để dụ dỗ học sinh, sinh viên làm thẻ tại các ngân hàng BIDV và Vietcombank.
Mua tài khoản để lừa đảo
Trong vai là người có nhu cầu mở thẻ, chúng tôi gọi đến một số điện thoại mời chào làm thẻ trên một fanpage dành cho sinh viên tại TP.HCM. Người rao giới thiệu tên Như, là nhân viên ngân hàng OCB nhưng qua trao đổi, Như nói từng làm ở OCB, nay đã nghỉ việc. Như rao mở thẻ là rao giúp một số người bạn trong ngân hàng để chạy doanh số.
Theo Như, một cá nhân có thể mở cùng lúc 5 thẻ ATM tại 5 ngân hàng khác nhau, mỗi thẻ sẽ được “trả công” 280.000 đồng. Như còn bày cho chúng tôi cách đối phó khi bị các ngân hàng kiểm tra: “Nếu nhân viên ngân hàng có hỏi mở thẻ làm gì thì em phải trả lời là mở thẻ vì có nhu cầu sử dụng chứ không ai nhờ làm. Chị sẽ đưa cho em một cái sim, em gắn vào điện thoại của mình để tránh trường hợp nhân viên ngân hàng gọi kiểm tra. Khi đăng ký làm thẻ ATM, em phải sử dụng số điện thoại này để đăng ký internet banking, dịch vụ thông báo số dư tự động (SMS banking). Sau khi thủ tục mở thẻ ATM xong, chị sẽ thu lại sim. Nếu ngân hàng này nghi ngờ, không đồng ý mở thẻ thì đến ngân hàng khác. Nhưng theo Như, các ngân hàng cần chạy đua doanh số nên khách đăng ký mở thẻ rất dễ”.
Một cán bộ thuộc Trung tâm Thẻ của Vietcombank cho biết, thực chất, đây là hình thức mua tài khoản của các nhóm tội phạm để làm chuyện phi pháp. Trong nhiều vụ việc, kẻ lừa đảo yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản có tên lạ; tài khoản đó xuất phát từ hoạt động này mà có.
Nhiều người tưởng việc mở thẻ là vô hại song thực tế phức tạp hơn rất nhiều |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thẻ ATM cho người khác hoặc cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để đăng ký mở và sử dụng thẻ ATM. NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chi nhánh NHNN các địa phương, yêu cầu chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Đại diện các ngân hàng Vietcombank, Sacombank, BIDV cho biết, khi khách hàng đến mở thẻ, nhân viên ngân hàng đều trực tiếp khuyến cáo khách không mở thẻ ATM theo đề nghị của người lạ, không đưa tài khoản hoặc thẻ ATM của mình cho người khác, nhằm tránh bị dùng vào mục đích lừa đảo. Những khuyến cáo này cũng được đăng trên website của các ngân hàng, dán ở bảng thông báo đặt tại quầy giao dịch.
Những người được các đối tượng mời gọi mở thẻ ATM đều là công nhân, học sinh, sinh viên, người lao động, nội trợ, những người đang cần tiền, ít hiểu biết về pháp luật và không lường trước hậu quả của việc bán lại thông tin thẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại thuộc Hội Luật gia Việt Nam - cho hay, theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, người mở thẻ phải cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ cần thiết, bên phát hành thẻ phải có trách nhiệm thẩm định các tiêu chuẩn, điều kiện và xác thực khách hàng theo đúng quy trình.
Việc các đối tượng yêu cầu người làm thẻ sử dụng số điện thoại và email của bọn chúng để ghi vào hồ sơ đăng ký làm thẻ ATM là có mục đích xấu và người mở thẻ đang phạm pháp nếu không cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ cần thiết cho phía ngân hàng. Nếu sau này, các đối tượng xấu dùng thẻ để chuyển tiền, làm chuyện phi pháp thì chủ thẻ có thể phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự, hình sự, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. “Đã có một số người bị đưa vào diện nghi vấn có liên quan đến tội phạm do bị sử dụng tài khoản để chuyển tiền phi pháp” - luật sư Nguyễn Văn Hậu cảnh báo.
Theo Báo Phụ nữ