Trả lời tại cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình hình của doanh nghiệp hết sức khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động cao. Các giải pháp chính sách sẽ chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn duy trì sản xuất, giữ chân lao động để doanh nghiệp trở lại sản xuất.

“Chúng ta đang thực hiện chính sách mở cửa nhanh nền kinh tế kết hợp với phòng, chống dịch tốt và một chương trình phục hồi tới để cho các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế khôi phục trở lại. Điều đặc biệt hơn nữa là ngay trong khi chúng ta có Nghị quyết 105 và Nghị quyết 128 thì tình hình doanh nghiệp đã quay trở lại rất nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn đã quay lại, có nơi đến 80-90%, lao động trở lại khoảng 70-80%, khả năng quý I/2022 sẽ trở lại hết công suất.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với 3 thách thức lớn là tiếp cận vốn, dòng tiền, thiếu hụt lao động. Đặc biệt, chi phí phòng dịch đang tăng cao.

Các giải pháp đang được thực hiện tập trung hỗ trợ về mặt y tế, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, lao động, chuyên gia. Cùng với đó là tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tập trung. Cụ thể là đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP, 125/NQ-CP, 128/NQ-CP và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.

Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có khả năng khôi phục, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh.

"Chúng ta cần cố gắng hạn chế doanh nghiệp phải đóng của, phá sản hoặc bị thâu tóm do tác động của dịch bệnh Covid-19", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.

{keywords}
Sẽ hạn chế tối đa doanh nghiệp đóng cửa, phá sản vì Covid-19

Trong tháng 10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 17 kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết các khó khăn vướng mắc khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nghiên cứu đề xuất các phương án xử lý, cập nhật tiến độ, đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Về kết quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh, Thường trực Tổ công tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn quy định: tạm thời “Thích ứng” để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; quy trình xét nghiệm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; về giao nhận, vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở kiến nghị của Thường trực Tổ công tác, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, Tổ công tác đã chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105/NQ-CP. Theo đó, các bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản như Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” …

Nguyễn Hùng