Trong số các nước châu Á, Hàn Quốc có hệ thống giao thông rất hiện đại, được quản lý và vận hành một cách quy củ. Đây là thành quả của sự mạnh dạn chuyển đổi và ứng dụng công nghệ, trong đó hoạt động kinh doanh phải đúng quy định pháp luật.
Cấm xe Uber
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Hàn Quốc tháng 6/2019, hoạt động vận tải tại đây rất hiện đại, đa dạng. Tuy nhiên, bất ngờ là việc ứng dụng gọi xe nước ngoài như Uber bị cấm hoàn toàn. Tại Thủ đô Seoul có 250 nghìn xe taxi trong tổng số 400 nghìn xe cả nước, trong đó có khoảng 60% xe là của mô hình hợp tác xã, số còn lại là của hộ cá thể.
Tuy nhiên, tư nhân muốn kinh doanh taxi phải bắt buộc vào một doanh nghiệp taxi nào đó. Tất cả xe của các hộ đều phải đeo mào như taxi, có đồng hồ tính tiền, có nhận diện, có đăng ký mã số thuế, và đóng thuế nhưng lại dùng nền tảng kết nối nội địa y như Uber đó là KaKao.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông ParkKeDong, Chủ tịch Liên đoàn taxi Hàn Quốc cho biết, trước đây khi Uber vào Hàn Quốc đã nảy sinh nhiều vấn đề trái với quy định pháp luật của Hàn Quốc về kinh doanh vận tải. “Người đi xe Uber không an toàn vì không biết lái xe, dịch vụ taxi đó từ đâu, không có ai quản lý, không có bảo hiểm. Xe chất lượng thấp không được kiểm soát về niên hạn xe. Uber không có trách nhiệm khi xảy ra sự cố đối với khách hàng, khi xảy ra sự cố, hành khách không biết khiếu nại đến ai”, ông ParkKeDong nói.
Cũng theo ông ParkKeDong, các hãng taxi trong nước được quản lý chặt chẽ, họ có bộ phận quản lý về nhân sự, bảo hiểm. Khi xảy ra vấn đề sẽ có người trực tiếp đến hiện trường giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho tài xế và hành khách. Hàng tháng, xe taxi phải kiểm tra xe, hồ sơ lý lịch tư pháp, lý lịch sức khỏe của lái xe được cập nhật lên dữ liệu chung quốc gia để quản lý.
“Mỗi quốc gia có quy định riêng, những gì kinh doanh bất hợp pháp so với luật pháp Hàn Quốc đều bị cấm. Trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội taxi và sự phản đối của người dân và để bảo vệ quyền lợi, thương hiệu taxi trong nước, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra quyết định cấm Uber hoạt động”, ông ParkKeDong nói và cho biết: “Ở Hàn Quốc, mặc dù đã có quy định xe kinh doanh vận tải có màu biển số riêng nhưng xe taxi hay taxi công nghệ đều phải gắn mào để quản lý. Thị trường taxi có sự tham gia của cả taxi tư nhân nên có sự cạnh tranh rất lớn, các hãng taxi phải cạnh tranh, liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất cho người dân”.
Theo TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nhiều quốc gia cấm hoàn toàn hoạt động của loại hình taxi công nghệ như Uber, có thể kể đến như Bungary, Hungary, Nhật, Đức…”Tòa Công lý châu Âu đã ra phán quyết hoạt động của Uber là hoạt động kinh doanh vận tải, dù trước đó Uber đã đưa ra các lập luận rằng họ là cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin kết nối”, ông Minh nói.
Cũng theo TS Minh: “Loại hình dịch vụ vận tải Uber, Grab mang đến lợi ích nhất định cho người dân và làm thay đổi không nhỏ thị trường vận tải, song cũng tồn tại nhiều vấn đề cần phải xem xét tổng thể để quản lý. Bởi dù có thể tốt cho người dân, nhưng tổng thể lợi ích kinh tế, xã hội chưa tốt, thì cơ quan quản lý vẫn phải can thiệp. Tôi nghĩ đó là việc hết sức bình thường”.
Việt Nam rút ra bài học gì?
Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, qua kinh nghiệm quản lý xe Uber của Hàn Quốc, các hãng taxi truyền thống trong nước có thể kiến nghị Chính phủ chính sách quản lý phù hợp đảm bảo công bằng trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Đối với việc quản lý taxi công nghệ tại Việt Nam, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, chúng ta có thể học Hàn Quốc, nhưng không nên cấm Uber và các loại hình xe công nghệ khác. Bởi bất kỳ việc gì cũng đều có giải pháp quản lý. Các ứng dụng cung cấp nền tảng kết nối nước ngoài luôn cho rằng họ chỉ là một hãng công nghệ, không phải là một hãng kinh doanh vận tải. Nhưng thực tế mô hình kinh doanh của họ không đơn thuần chỉ có công nghệ.
Thực tế hoạt động tại Việt Nam, các ứng dụng công nghệ nước ngoài đang điều hành kinh doanh vận tải bằng việc quyết định giá cước, điều chỉnh giá cước theo khung giờ, áp đặt tỷ lệ ăn chia với lái xe cũng như các chương trình khuyến mãi cho khách hàng và tài xế. “Nếu đã có những hoạt động kinh doanh như taxi, taxi công nghệ phải được quản lý như một hãng taxi, như vậy mới công bằng và bình đẳng trên thị trường taxi. Vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay là xe taxi công nghệ có cần phải gắn hộp đèn taxi hay không?”, GS.TS Sùa nói.
Cũng theo GS.TS Sùa, xe ứng dụng công nghệ tại Việt Nam không đúng với bản chất của kinh tế chia sẻ mà hầu hết là mua xe kinh doanh vận tải chuyên nghiệp. Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, trong khi chưa có màu biển số quy định riêng cho xe kinh doanh vận tải thì giải pháp trước mắt phải gắn hộp đèn để quản lý. Khi được gắn mào, mỗi tỉnh, thành phố, ngành có thể giới hạn số lượng xe công nghệ thông qua dữ liệu giám sát hành trình cộng với dữ liệu từ các đơn vị cung cấp ứng dụng gửi về cục thuế giám sát.
Trong dự thảo Nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô cũng cần phải lưu ý tới vấn đề an toàn tài sản và tính mạng cho hành khách, gồm an toàn thông tin dữ liệu khách hàng và an toàn về tài sản và sinh mạng. Cần phải có quy định cụ thể đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo mật thông tin khách hàng và có chế tài xử phạt thật nặng nếu để mất an toàn thông tin cá nhân khách hàng.
“Một điểm nữa cũng cần phải xem xét trong mô hình hoạt động của taxi công nghệ là vấn đề quyền lợi của người lao động. Hiện họ luôn ở vị trí bất lợi, không được quan tâm về phúc lợi, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Họ làm việc trong một môi trường đầy rẫy rủi ro rình rập trên đường nhưng không hề được bảo vệ. Cần những quy định buộc các hãng taxi công nghệ có trách nhiệm đối với người lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ đối tác là lái xe thay vì chỉ có những áp đặt một chiều của hãng dành cho người lao động. Cần phải căn cứ theo Luật Lao động để áp dụng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia mô hình này”, GS.TS Sùa nói.