Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, người Việt Nam có thể đặt mua hàng ở các sàn thương mại điện tử quốc tế như Taobao, Amazon khá thuận lợi. Đặc biệt là từ khi Alibaba của Trung Quốc mua lại sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam Lazada.vn thì việc mua hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Lazada lại càng thuận lợi hơn. Qua sàn Lazada người Việt Nam có thể đặt mua hàng của các shop ở Trung Quốc, Hồng Kông theo hình thức COD (giao hàng thu tiền), dù thuận lợi hơn cho giao thương quốc tế nhưng điều này lại là lỗ hổng để một số mặt hàng cấm bị lợi dụng để giao dịch mua bán qua mạng.
Trong chuỗi cung ứng dịch vụ thương mại điện tử có sự tham gia của các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh, đơn vị cung ứng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế.
Thương mại điện tử thường giao dịch những đơn hàng tiêu dùng trị giá nhỏ được gửi từ người bán tới người tiêu dùng (B2C) và từ người tiêu dùng tới người tiêu dùng (C2C) và được gửi qua các hãng bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế. Nên rất cần phải có một quy trình kiểm soát chặt chẽ nếu không nguy cơ hàng cấm có thể bị mang trót lọt vào thị trường.
Liên quan đến vụ việc gần đây ICTnews đã phát hiện rất nhiều các shop bán hàng từ Trung Quốc, Hồng Kông bán thiết bị lắp ráp súng thể thao mạo hiểm trên Lazada, điều này là bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này khiến nhiều người lo ngại thương mại điện tử quốc tế sẽ tạo lỗ hổng để hàng cấm, hàng giả, hàng nhái được tuồn vào Việt Nam.
Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi mà các cửa khẩu sân bay được coi là điểm nóng phát hiện hàng hóa nhập lậu qua đường chuyển phát nhanh trong năm 2018. Theo nguồn tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2018, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát phát hiện, bắt giữ 632, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 92 tỷ đồng, chủ yếu tại các địa bàn nóng như sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; bưu điện Hà Nội, TP.HCM và cả các hãng chuyển phát nhanh DHL, Fedex… Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là hàng cấm, hàng nhỏ gọn có giá trị cao, dễ cất giấu như vàng, điện thoại di động, vũ khí, ma túy, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm…
Thiết bị lắp ráp súng thể thao mạo hiểm rao bán từ Hồng Kông trên Lazada. |
Liệu có những kẽ hở nào trong khâu kiểm soát hàng hóa bán trên mạng qua biên giới vào Việt Nam hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương cho biết, hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ chịu sự quản lý nhà nước về Hải quan theo quy định của pháp luật. Kể cả trường hợp giao dịch mua bán hàng hoá được thực hiện qua các website thương mại điện tử hoặc các ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải qua sự kiểm tra của Hải quan.
Theo quy định tại Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành kèm theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; thực hiện và tổ chức công tác phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan nhà nước hữu quan, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã được pháp luật quy định rất cụ thể và rõ ràng. Theo đó, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được thực hiện theo nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, hiệp đồng hỗ trợ lẫn nhau theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước khác.
Ông Trần Hữu Linh cho biết, về phía lực lượng Quản lý thị trường, hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở thị trường trong nước của lực lượng phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Trường hợp phát hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn hoặc lĩnh vực cơ quan khác chủ trì thì cơ quan phát hiện thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì xử lý để phối hợp hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được phân công.