Tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt

Ngày 24-2, Mỹ công bố các hạn chế xuất khẩu đối với Nga, áp dụng với các nhóm hàng như điện tử, chất bán dẫn hay thậm chí là các bộ phận máy bay.

Nga là một trong số các nhà cung ứng lớn nhất thế giới đối với nhiều loại kim loại chủ chốt, gồm palladium và niken, được sử dụng trong sản xuất ôtô trên toàn cầu.

Trong khi đó, Ukraine là nơi cung ứng Niken và nhôm lớn thứ 3 thế giới. Đây là 2 nguồn tài nguyên quý giá rất cần thiết trong sản xuất pin và các bộ phận của xe ô tô điện (EV).

Ukraine là nhà cung ứng khí hiếm quan trọng trên toàn cầu, sản xuất gần 70% khí neon cần cho các thành phần như chip bán dẫn, vốn đang thiếu hụt.

{keywords}
Nhà máy ô tô Renault ở Moscow, Nga


Nguồn cung Niken bị hạn chế có thể làm chậm quá trình sản xuất pin cho xe điện. Còn hai nguồn cung Niken lớn khác là Indonesia và Philippines, nhưng nhu cầu và giá cả đang tăng lên và điều này sẽ tăng thêm áp lực chi phí đối với các nhà sản xuất ô tô.

Ít nhất 25% linh kiện sử dụng trên ôtô sản xuất ở Nga đến từ nước ngoài - gồm cả Mỹ, nên các nhà máy này có thể gặp rắc rối khi tiếp tục hoạt động dưới tác động của những đòn trừng phạt, dẫn đến việc họ phải thay đổi kế hoạch sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn cung khác.

Xung đột ở Ukraine khiến các công ty tư vấn J.D. Power và LMC Automotive cắt giảm triển vọng bán xe mới trên toàn cầu trong năm 2022 xuống còn 85,8 triệu chiếc (giảm 400.000 xe).
Ngành công nghiệp ô tô vốn đang phải đối phó với tình trạng khan hiếm xe do thiếu hụt chất bán dẫn, nay giá dầu tăng cao do khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng mua xe của khách hàng.

Giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trên toàn cầu, đặc biệt nếu các quốc gia châu Âu kiêng sử dụng nhiên liệu của Nga để đáp trả cuộc tấn công của họ vào Ukraine.

Nhà phân tích Colin Langan của ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) cho biết xung đột có thể làm tăng giá dầu lên trên 100 USD/thùng, gây thêm áp lực lạm phát lên người tiêu dùng châu Âu và Mỹ. “Dù người tiêu dùng sẵn sàng trả trên mức giá niêm yết để có xe mới, giá xăng tăng cao liên tục có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi lâu dài của ngành”, ông Langan nói.

Đối phó

Hãng xe Volkswagen cho biết họ sẽ tạm dừng sản xuất trong vài ngày tại hai nhà máy ở Đức do chậm trễ trong quá trình giao phụ tùng xe từ Ukraine.

Hãng Renault của Pháp cũng tạm ngưng một số hoạt động tại các nhà máy lắp ráp xe hơi ở Nga trong tuần nay do thiếu phụ tùng.

Renault không nói rõ chuỗi cung ứng của họ có bị ảnh hưởng bởi xung đột hay không, nhưng người phát ngôn của hãng nói đây là hệ quả của việc kiểm soát biên giới giữa Nga và các nước láng giềng, trong khi phụ tùng xe được vận chuyển bằng xe tải.

Theo Citibank, hãng Renault nằm trong số các công ty phương Tây làm việc nhiều nhất với Nga - nơi họ tạo ra 8% thu nhập cốt lõi.

Nhà sản xuất ô tô Nga Avtovaz (thuộc sở hữu của Renault), cũng tạm ngưng một số dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ở miền Trung nước Nga, do tình trạng thiếu linh kiện điện tử trên toàn cầu.

Nhà sản xuất lốp xe Phần Lan Nokian cho biết họ đang chuyển dây chuyền sản xuất một số dòng sản phẩm chính từ Nga sang Phần Lan và Mỹ để chuẩn bị tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu được cho là đã ngừng chuyển hàng cho các đại lý địa phương ở Nga kể từ ngày 24-2, như Audi, Chevrolet, Porsche hay Land Rover.

Cơn đau đầu của Hàn Quốc

Ngành ô tô của Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các loại khí hiếm do Ukraine cung cấp như neon, krypton, xenon… và với tình hình hiện tại giá cả sẽ tăng lên.

Về thị phần, Tập đoàn Hyundai đã bán được 373.132 xe tại thị trường Nga vào năm 2021, chiếm thị phần lớn nhất; Hyundai chiếm 10,3% và Kia chiếm 12,3% tổng thị phần xe của Nga.
Xung đột bùng nổ và ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh toàn cầu của Hyundai, cũng như sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Báo Korea Times cho biết các tập đoàn Hàn Quốc đã bán xe ô tô với doanh số 2,5 tỷ USD cho Nga vào năm 2021, cộng với các bộ phận và linh kiện xe hơi với giá trị kim ngạch là 1,45 tỷ USD.

Ô tô và các bộ phận đi kèm trước đây chiếm 44% sản lượng xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc sang Nga. Giờ đây hoạt động này có thể sẽ bị cản trở nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc lo ngại doanh số bán hàng có thể giảm 29% trong năm nay, dự đoán tác động tương tự như khi doanh số xuất khẩu ô tô sụt giảm 62% sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Minh Khôi (theo Reuters, Motortrend, NBC)

Bạn nghĩ gì về tác động của khủng hoảng Nga - Ukraine với công nghiệp ô tô? Hãy chia sẻ góc nhìn về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!