Hàng Việt lên sàn

Lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản có hệ thống và có tổ chức trên đồng loạt cả 6 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, gồm: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, BigC/GO, Shopee, Lazada và Postmart (VnPost).

Trên tinh thần chung tay cùng Bắc Giang, các sàn tập trung hỗ trợ mạnh mẽ tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên phạm vi cả nước, mặt khác tiếp tục hỗ trợ các Hợp tác xã vải thiều ở địa phương tổ chức bán hàng trên môi trường TMĐT.

Sau vải Hải Dương và Bắc Giang, mận hậu và xoài Yên Châu của Sơn La cũng chính thức lên sàn thương mại điện tử. Trên Postmart, mận Mai Sơn - đặc sản Sơn La - được bán với giá 450.000 đồng túi 30kg. Theo giới thiệu, năm nay thời tiết thuận lợi, lại được chăm sóc tốt nên quả to, mẫu mã đẹp, vị dôn dốt chua, đặc biệt mận rất róc hạt. Loại mận Tà Lọng (Mộc Châu) có giá 150.000 đồng túi 10kg.

Các sản phẩm lên sàn đều được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm. Hoạt động hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn TMĐT.

{keywords}
Nông sản lên sàn thương mại điện tử 

Mới đây nhất, khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 16, nguồn cung hàng hoá khan hiếm, kênh phân phối qua TMĐT tiếp tục phát huy. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã khẩn trương làm việc trao đổi với các Sàn thương mại điện tử  (TMĐT) lớn để lên phương án chuẩn bị tốt nguồn cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua phương thức giao dịch trực tuyến qua TMĐT.

Theo báo cáo của Cục, hàng loạt các sàn TMĐT lớn đã triển khai các chương trình ưu đãi về vận chuyển và đơn đặt hàng cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạo điều kiện mua sắm cho người dân ở TP HCM và các tỉnh phía Nam trên các kênh trực tuyến.

Chỉ trong ngày 7/7, Lazada đã ghi nhận nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, đặc biệt đối với các nhu yếu phẩm và thực phẩm tươi sống. Theo sàn này, doanh số của ngành hàng thực phẩm tươi sống đã đạt mức tương đương với doanh số của ngành hàng này trong cả tháng 7 năm 2020. Hơn 2 tấn sườn que và thịt gà; 10.000 trứng gà, vịt đã được bán hết chỉ sau 12 giờ đầu tiên, 120.000 hộp sữa tươi đã được bán hết chỉ trong 3 giờ.

Trên sàn Tiki, sức mua rau củ quả, thịt cá, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn và bơ, trứng sữa cũng tăng “chóng mặt”. Thống kê của Saigon Co.op cho thấy, số lượng đơn hàng online tăng gấp 5 lần suốt từ trưa 6/7 đến sáng 7/7. Còn VinMart, đơn hàng online tăng hơn 50%.

Kênh phân phối hiệu quả

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, với lợi thế của thương mại điện tử, trường hợp các hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, một số điểm, các nhà cung cấp có thể bổ sung nguồn cung một cách nhanh chóng và giao tới người dân kịp thời mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp qua phương thức mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống.

Ngoài ra, khi mua hàng thông qua thương mại điện tử, các hoạt động giao hàng đều đảm bảo các quy tắc về phòng chống dịch, với các Sàn thương mại điện tử uy tín người mua hàng hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức giao hàng nhanh hoặc giao hàng tiết kiệm tùy thuộc vào sản phẩm đặt mua. Như vậy, việc mua thực phẩm tươi sống hay các đồ dùng thiết yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, các siêu thị và cửa hàng bách hóa sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải, hết hàng.

{keywords}
Hàng hoá tiêu thụ qua kênh hiện đại 

Theo Bưu điện Việt Nam, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị.

Thương mại điện tử là hướng đi mới giúp sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP cạnh tranh trên thị trường và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.

Trong 2 năm triển khai, với hệ thống mạng lưới rộng khắp của Bưu điện Việt Nam, Postmart đã trực tiếp tiếp xúc với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hợp tác kinh doanh trực tuyến, thực hiện quyết liệt chủ trương chuyển đổi số cho các sản phẩm nông sản, hỗ trợ khu vực kinh tế nông thôn nắm bắt kịp thời xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Postmart đã có hơn 1.000 nhà cung cấp các sản phẩm nông sản trải dài trên 63 tỉnh thành phố với hơn 15.000 sản phẩm đặc sản.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn TMĐT Sendo cho biết, có sẵn công nghệ, nguồn cung và kinh nghiệm với nông sản tươi, sàn đã có thể nhanh chóng đưa vào áp dụng khi nhận thấy nhu cầu cấp thiết của người dân thành phố, góp phần bình ổn thị trường và giúp người dân an tâm hơn khi ở nhà giữa mùa dịch.

ông James Dong – Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, đây là một khởi đầu cho sự hợp tác lâu dài giữa tất cả các bên nhằm mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm ngon, tươi và tốt cho sức khỏe, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho các thương hiệu và nhà bán hàng tại địa phương, góp phần đưa nền kinh tế số Việt Nam ngày một phát triển.

Theo báo cáo vào tháng 1/2021 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương, có tới 53% dân số Việt Nam đã tham gia vào mua bán lẻ thương mại điện tử.

Ngoài ra, báo cáo “E-conomy SEA 2020” của Google cho thấy thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng 46% so với năm trước đó. “E-conomy SEA 2020” kèm theo dự báo đến năm 2025 thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ đạt giá trị 52 tỷ USD, đứng thứ ba tại Đông Nam Á.

Tầng lớp trung lưu tăng mạnh là nhân tố chính góp phần cho tăng trưởng này. Theo ghi nhận trong năm 2020, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đạt mốc 33 triệu người, tăng so với con số 12 triệu người năm 2012. Khi tầng lớp trung lưu tăng, nhu cầu với các sản phẩm cao cấp cũng đi lên.

Như Sỹ