Thung lũng Hunza nằm ở thành phố Gilgit (phía bắc Pakistan), giáp với hành lang Wakhan thuộc Afghanistan và Tân Cương (Trung Quốc). Nơi đây khí hậu mát mẻ vào mùa hè, nhiệt độ cao nhất chỉ khoảng 25-27 độ C, còn mùa đông rất lạnh, luôn ở mức dưới 0 độ C. 

Để đến được vùng đất này, nhóm trải nghiệm người Việt Nam chúng tôi phải trải qua những chặng đường cực kỳ dài và tốn rất nhiều thời gian. 

Do chưa có đường bay thẳng Hà Nội hay TP.HCM tới Pakistan, nhóm phải sử dụng đường hàng không từ thủ đô tới New Delhi (Ấn Độ) bằng Vietnam Airlines, rồi bay tiếp chặng nội địa của hãng Indi Go hoặc Vistara để tới thành phố Amritsar (tỉnh giáp biên giới với Pakistan). Từ đây, chúng tôi đi đường bộ tới Lahore (thuộc tỉnh Punjab) làm thủ tục nhập cảnh và tiếp tục hành trình bằng xe hợp đồng để tới thủ đô Islamabad.

Trước khi rời Lahore, chúng tôi ngủ tại thành phố này một đêm và có hành trình khám phá nhanh một vài khu vực nổi tiếng nhất Pakistan. 

Lahore là thủ phủ tỉnh Punjab và là thành phố đông dân thứ hai ở Pakistan (sau Karachi). Nơi đây cũng được biết đến là khu vườn của các Mughal hay thành phố vườn (đặt tên theo các di sản phong phú đáng kể của đế quốc Mughal). 

Trong những thập kỷ trước khi Pakistan giành độc lập, Lahore đã xảy ra một số cuộc bạo loạn chết người. Thành phố này được tuyên bố là thủ phủ của tỉnh Punjab (Pakistan) sau chiến thắng của phong trào Pakistan và sự kiện độc lập cuối cùng vào năm 1947.

Sáng hôm sau, từ Lahore, đoàn chúng tôi đi thẳng tới sân bay Islamabad để tới Gilgit. Tuy nhiên, một trở ngại khá lớn xảy ra, nhận tin thời tiết xấu ở phía bắc của Pakistan, chuyến bay bị hủy bỏ. Dù đã tới cửa chờ lên tàu bay, đợi khoảng 2 giờ, cả nhóm cũng như nhiều hành khách khác buộc phải quay trở ra, được hoàn lại vé và phải đi Hunza bằng đường bộ với hơn 500km đường đồi núi.

Ở cửa khẩu đường bộ nơi tiếp giáp giữa hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan, lần lượt từng đoàn du khách phải trải qua nhiều quy trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, mất khá nhiều thời gian. Trước đó, việc làm thủ tục visa từ Việt Nam lại cực kỳ đơn giản và thuận tiện.

Khi đã qua biên giới, cả nhóm buộc phải đi trên chiếc ô tô 24 chỗ ngồi không lấy gì làm hiện đại. Hành lý chất hết lên nóc do xe không có cốp để đồ. Tổng thời gian đi và về tính từ thủ đô Islamabad tới Hunza riêng chỉ việc ngồi trên xe đã là 6 ngày, ngủ đêm dọc đường mất hai lần.

Trong suốt chặng đường, nhiều đoạn xe phải dừng lại từ 30 phút đến hơn 1 giờ để chờ công nhân dọn dẹp những đống đất đá bị lở từ trên núi xuống. Mỗi lần như vậy, đường bị ùn ứ hàng chục chiếc ô tô, chủ yếu là xe tải chở hàng và xe khách chở các đoàn khách du lịch từ thủ đô tới Hunza.

Bù lại cho sự vất vả đó, khi đặt chân đến "thiên đường nơi hạ giới", chúng tôi được ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt mỹ hiếm nơi nào có được. Hunza chia ra thành ba khu vực, gồm: Upper Hunza, Center Hunza và Lower Hunza, bao quanh là dãy núi Himalaya. Thung lũng này gần như hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. 

Những người Anh đã ca ngợi đây là “vườn địa đàng” khi ghé thăm vào những năm 1960. Cho đến nay điều này vẫn hoàn toàn đúng khi không một quốc gia nào có được những cảnh sắc xứng tầm "đối thủ".

Trước đó chúng tôi được tư vấn thời điểm thích hợp đến vùng đất phía bắc của Pakistan là vào mùa xuân hoặc thu (khoảng tháng 4 hoặc tháng 11). Lúc này hoa mơ, anh đào nở rực hồng, lá cây khắp thung lũng chuyển màu vàng màu đỏ bên những mặt hồ nước màu xanh ngọc tạo nên cảnh sắc cực kỳ tuyệt diệu.

Quả thật, Hunza đẹp mê hoặc lòng người, nhất là khi mặt trời tỏa nắng vàng rực rỡ. Thung lũng này được bao bọc bởi rất nhiều hàng cây bạch dương cùng hệ thống sông ngòi độc đáo.

Nói đến thung lũng nổi tiếng của Pakistan không thể không nhắc tới Karakoram - tuyến đường nhựa cao nhất thế giới dài 1.290km, với 20 đỉnh núi độ cao trên 7.000m so với mực nước biển (trong đó có đỉnh K2, đỉnh núi cao thứ hai thế giới (8.611m), chỉ kém Everest 237m. Công trình được xây dựng trong 20 năm (khởi công từ năm 1959) bởi sự liên kết của hai Chính phủ Trung Quốc và Pakistan. 

Để có được con đường này, hơn 1.000 công nhân đã bị thiệt mạng, chủ yếu do đá lở hoặc bị tai nạn rơi xuống vực sâu. Tuyến cao tốc được ví như "kỳ quan thứ 8" của nhân loại. 

Trong ảnh là con đường tơ lụa - tuyến đường thương mại cổ xưa nhất lịch sử loài người, một trong những tuyến giao thương quan trọng và vĩ đại của nhân loại trong suốt hơn 1.500 năm lịch sử. Đây cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tôn giáo, sản sinh ra những câu chuyện huyền thoại.

Đặt chân tới con đường tơ lụa có lẽ là mơ ước của nhiều trái tim yêu du lịch, ưa khám phá. Điểm độc đáo đáng chú ý ở địa danh này là một cây cầu cổ xưa vẫn còn nguyên hình dạng.

Một trong những địa danh trong hành trình của chúng tôi trong hành trình khám phá Hunza là khu vực hội tụ của ba dãy núi cao nổi tiếng thế giới gồm Himalaya, Hindu Kush và Karakoram.

Ba dãy núi Karakoram, Himalaya và Hindu Kush giao nhau tại một điểm ngay bên cạnh dòng sông xanh - “thiên đường núi” dành cho những người đam mê trekking. Khu vực này có một số ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm 5 đỉnh cao hơn 8.000 mét, nhiều hơn 7.000 và các sông băng lớn nhất bên ngoài vùng cực. Để so sánh, cả Tây Âu và 48 tiểu bang của Mỹ ở Nga hay Bắc Mỹ đều không có ngọn núi nào cao trên 6.250m và đỉnh Andes cao nhất chỉ dưới 7.000m.

Tới Hunza, du khách không thể bỏ qua tham quan những dòng sông băng độc đáo với 2 loại: sông băng trắng và sông băng đen. Một trong số đó là sông băng trắng - Passu. 

Để lên được vị trí cận nhất ngắm sông băng Passu, du khách phải đi bộ chừng 30 phút qua những đoạn đường hiểm trở, nhiều vách đá cheo leo, chưa kể ngồi trên những chiếc ô tô gầm cao mất chừng 5-7km. 

Sông Passu có sự liên kết với sông băng Batura và nhiều sông băng khác trong khu vực để tạo nên một kỳ quan tuyệt mỹ. 

Theo thống kê, Pakistan có 7.532 sông băng, nhiều hơn bất kỳ nơi nào ngoài vùng cực. Vì vậy khi khí hậu ấm lên, sông băng tan chảy, tạo ra lượng nước có khả năng tàn phá diện rộng. Trong ảnh là dòng sông băng đen, một trong những điểm du lịch được nhiều người quan tâm. 

Điều tiếc nuối nhất của chúng tôi trong hành trình là vấn đề thời tiết không ủng hộ. Ngoài việc không thể bay chuyến nội địa từ Islamabad tới Gilgit, ở những địa danh quan trọng nhất, cả đoàn gặp mưa hoặc trời khá xám xịt, hầu như không ai có được những khoảnh khắc thực sự đắt giá để mang về làm kỷ niệm.

Đức Chung