Trước khi ra nước ngoài công tác, sĩ quan tình báo Liên Xô (KGB) phải nghiên cứu, huấn luyện các bài tập “cắt đuôi”. Theo quy định, trước khi bỏ hoặc lấy “hàng” ra khỏi hộp thư mật, hay trước khi đi gặp điệp viên, điệp viên phải kiểm tra xem mình có bị theo dõi không. Anh ta phải rời nơi làm việc khoảng 4 giờ trước cuộc gặp, bằng xe riêng, đến một ga tàu điện ngầm gửi xe, xuống tàu đi 2 –3 bến, rời tàu lên mặt đất đi tiếp bằng taxi.

Khoảng 2 –3 lần như vậy, trong thời gian đó, anh ta phải chăm chú quan sát mọi diễn biến xung quanh xem có điều gì bất thường. Tới gần điểm gặp, anh ta được đồng nghiệp – cũng thực hiện các biện pháp an ninh như vậy - yểm trợ và phát hiện kịp thời những khả nghi. Nếu an toàn, cuộc gặp có thể diễn ra, còn không thì phải huỷ bỏ. Sau khi trở về, điểm gặp mới được ấn định với thời gian gặp sớm hơn thời gian quy định của lần trước.

Để theo dõi tình báo quốc tế, phản gián Pháp thường áp dụng biện pháp được gọi là “kỹ thuật lưới”. Theo đó, các nhân viên phản gián liên lạc với nhau qua điện thoại vô tuyến, được bố trí tại những điểm “yết hầu” của thành phố như các cây cầu, các con đường lớn, các giao lộ… để có thể từ khoảng cách xa theo dõi đường đi của các “con mồi”.

{keywords}
Lực lượng đặc biệt thuộc cơ quan phản gián Pháp. Ảnh: Reuters

Nếu trong khoảng thời gian dài “con mồi” không xuất hiện ở nơi cần xuất hiện, tức là anh ta đã dừng lại ở đâu đó, hoàn toàn có thể để gặp điệp viên. Không mấy khó khăn để phản gián xác định được khu vực cụ thể. Việc tiếp theo là huy động nhân viên đến đó và xem xét để tìm ra điểm hẹn, cũng như nhận dạng điệp viên người bản xứ.

“Kỹ thuật lưới” khá hiểm, song không phải lúc nào cũng thành công. Đơn giản, nhân viên phản gián có thể tới chỗ gặp quá muộn và không nhận ra được “con mồi” trong số hàng trăm người đang qua lại. KGB cũng có biện pháp riêng để ngăn cản sự theo dõi này. Mỗi tổ KGB hoạt động ở nước ngoài đều có bộ phận (thường gọi là KR) đảm bảo an ninh cho sĩ quan làm nhiệm vụ.

Khi một ai đó đi gặp điệp viên, các nhân viên KR đều tiến hành nghe trộm tần số vô tuyến của phản gián nước sở tại. Nếu số lượng sóng tăng lên một cách bất thường, sĩ quan đi làm nhiệm vụ sẽ được thông báo hoặc gọi về. KR cũng có thể tung ra một số sĩ quan làm “nhiễu” phản gián, như dụ nhân viên phản gián theo mình tới nơi không có cuộc gặp.

Thế nhưng, sĩ quan KGB Victor Sokolov đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Anh ta xem thường mọi biện pháp an ninh và đi thẳng tới chỗ gặp. Vào ngày đó, “lưới” của phản gián Pháp phát hiện được xe của Sokolov rời sứ quán và lao thẳng về một đại lộ. Anh ta cua một vòng quanh khu nhà cuối đại lộ rồi tiến thẳng đến chỗ đại lộ cắt ngang một con phố nhỏ.

Điệp viên của Sokolov đã chờ ở đó. Hai người kéo nhau vào quán cà phê, chuyện trò khoảng 30 phút, trao đổi tài liệu và chia tay. Điệp viên lên xe của mình và nhanh chóng biến mất, song phản gián đã kịp chụp được ảnh anh ta và biển số xe. Điệp viên bị lộ là một bác sĩ, thường ra nước ngoài công tác. Cùng với những chi tiết thu thập được trước đó, phản gián khẳng định viên bác sĩ đang làm việc cho KGB. Tuy nhiên, họ chưa bắt giữ ngay.

Kiên nhẫn là một trong những phẩm chất của những người làm công tác tình báo, phản gián. Chỉ sau một thời gian, hai vợ chồng viên bác sĩ lại từ nước ngoài về Paris “nghỉ phép”. Anh ta dừng chân ở đúng khách sạn trước đây đã nghỉ. Lần này, phản gián đặt phòng trọ ngay cạnh để tiện theo dõi anh ta. Họ không phải chờ lâu. Buổi chiều, viên bác sĩ nói với vợ rằng cần đi gặp người bạn và sẽ quay về trước bữa cơm chiều.

Chính lúc này các sĩ quan KGB đã phạm sai lầm thứ hai, người đi gặp điệp viên lần này là Thiếu tá Nhescherov đã tỏ ra cẩn thận hơn. Nhescherov đi đến điểm hẹn cùng Đại uý Sljutrenko làm người bảo vệ, nhưng cuộc gặp vẫn diễn ra ở quán cà phê lần trước. Hai người đi quanh co nhiều vòng trước khi quyết định bước vào quán.

Các nhân viên phản gián Pháp đã phải chờ đến 20 phút, khi sau một hồi trò chuyện, viên bác sĩ bắt đầu chuyển cho Nhescherov chiếc phong bì cầm sẵn trong tay, lúc đó họ mới can thiệp và tiến hành bắt quả tang. Người bạn đồng hành của Nhescherov đứng cách chỗ gặp khoảng 100m, chỉ có thể quan sát mọi việc diễn ra mà thôi.

Nhescherov và Sljuchenko sử dụng quyền ngoại giao để tránh bị Pháp truy cứu, song hai người bị gọi về Moscow. Thiếu tá Sokolov, lúc bấy giờ đang nghỉ phép, cũng được phía Pháp lưu ý Moscow rằng họ không muốn nhìn thấy anh ta quay lại Pháp. Còn viên bác sĩ Pháp buộc phải thừa nhân tội danh “làm gián điệp”. Những lời khai của ông này đã gây tổn hại đáng kể cho lưới điệp báo KGB ở Pháp cũng như hoạt động tình báo của Liên Xô nói chung.

Nguyên Phong