Mỹ từng suýt khởi động Thế chiến 3 bằng việc thả một quả bom nguyên tử xuống Liên Xô trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, một sử gia nổi tiếng cho hay.
Báo Express của Anh dẫn nguồn tin trên cho hay, Liên Xô và Mỹ không ít lần gần như bước vào một cuộc xung đột hạt nhân tổng lực, do những điều rất ngớ ngẩn, đôi khi chỉ là một sự cố máy tính, phát sinh từ một thiết bị lỗi có giá chỉ vài xu.
Ảnh có tính chất minh họa: Express |
Theo các tài liệu tối mật, có hơn 1.000 trường hợp rủi ro liên quan tới vũ khí hạt nhân xuất phát từ sự cẩu thả của quân nhân Mỹ, bao gồm các vụ cháy, nổ và thả bom nhầm suýt làm hàng trăm triệu người mất mạng hồi thập niên 1970, 1980.
Trong một vụ được coi là thoát hiểm trong gang tấc hồi năm 1979, các chỉ huy tại Bộ Chỉ huy phòng không không gian Bắc Mỹ ở Colorado nhận được tin nói rằng Liên Xô đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn nhằm vào Mỹ.
Màn hình máy tính tại căn cứ tối mật này tràn ngập hình ảnh cho thấy những giai đoạn đầu của một cuộc tấn công và Mỹ chuẩn bị để trả đũa. Cuộc tấn công trả đũa được hủy vào phút chót nhờ một cuộc điều tra thấu đáo và kiểm tra radar.
Nếu Mỹ phản ứng bằng cách triển khai bom hạt nhân tới Liên Xô, Thế chiến 3 đã bùng nổ.
Trong một vụ việc khác liên quan tới công nghệ của Mỹ, hệ thống cảnh báo sớm của nước này phát hiện hàng trăm tên lửa của Liên Xô sắp nhắm thẳng Mỹ.
Zbigniew Brzezinski, Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã phải thức giấc vào lúc 2h30 sáng, khi nghe được tin tức đáng lo trên. Tiếp sau đó, lại có tin, thực tế có tới 2.200 quả bom từ Liên Xô đang nhắm tới bờ biển Mỹ.
Ông Brzezinski chỉ có vài phút để quyết định có tiến hành một cuộc tấn công với các vũ khí lấy từ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hay không.
Ngay khi quan chức này chuẩn bị gọi cho Tổng thống, ông liền nhận được một cuộc gọi cho hay, báo động về các tên lửa đang lao tới thực chất chỉ là báo động nhầm do một con chip máy tính bị lỗi. Đáng buồn là, con chip này giá chỉ vài xu.
Ngoài ra, năm 1961, một chiếc B- 52 đã gặp sự cố khiến quả bom Hydro Mark 39 rơi xuống gần Goldsboro, Bắc Carolina. Cơ chế kích nổ đã khởi động nhưng còn một chốt an toàn không bị bung ra nên Mỹ thoát được một thảm họa kinh hoàng.
Tính toán cho thấy, nếu phát nổ, bức xạ từ quả bom có thể lan khắp vùng bờ biển miền đông, từ thủ đô Washington D.C đến Baltimore, Philadelphia và New York.
Báo The Guardian dẫn báo cáo của chuyên gia Parker Jones tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Sandia, chịu trách nhiệm về an toàn vũ khí hạt nhân, viết: “Chốt an toàn cuối cùng còn trong vị trí đã cứu được nước Mỹ khỏi một thảm họa”.
Tất cả những vụ việc dựng tóc gáy trên được mô tả chi tiết trong cuốn sách "Chỉ huy và kiểm soát: Vũ khí hạt nhân, Tai nạn Damascus và Ảo tưởng an toàn" của tác giả người Mỹ Eric Schlosser.
Tác giả trên đã nắm được các tài liệu mật, ghi rõ hơn 1.100 trường hợp liên quan tới vũ khí hạt nhân từ năm 1950-1968.
Các thông tin nhạy cảm trên đã tiết lộ những sai lầm của quân đội Mỹ, và cho thấy chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ từng suýt xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh.
Hoài Linh