Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Báo cáo tại Hội nghị cho hay, năm 2020 nhiều khó khăn, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt việc tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ dự thảo, tiếp thu, chỉnh lý, trình Chính phủ thông qua 12 dự án luật, 7 đề nghị xây dựng luật, ban hành 145 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 36 quyết định quy phạm pháp luật. Thường xuyên đôn đốc tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thông qua hoạt động của Tổ công tác, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng văn bản.
Văn phòng Chính phủ cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả các Hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử. |
Với mục tiêu cải cách hành chính đi vào thực chất, khơi dậy nguồn lực, năm qua, Văn phòng Chính phủ đã trình ban hành 9 Nghị định về điều kiện kinh doanh, nâng tổng số thành 50 Nghị định hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 điều kiện, tương đương 63%; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, đạt 68%, tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.
Trong triển khai Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ đã triển khai tích hợp chữ ký số, xử lý hồ sơ qua mạng, số hóa văn bản tài liệu, gửi nhận điện tử, vừa rút ngắn thời gian giải quyết vừa minh bạch hóa quy trình… Năm 2020 đã phát hành khoảng 26.000 văn bản, trừ các văn bản hệ mật, đã phát hành 100% định dạng điện tử, tiết kiệm 148 tỷ đồng/năm.
Văn phòng Chính phủ cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả các Hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các hệ thống thông tin trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội trên 8.500 tỷ đồng/năm và nhận được phản hồi tích cực của xã hội.
Văn phòng Chính phủ cũng đã chủ động đề xuất giải pháp ứng phó với các vấn đề tình huống, phát sinh. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Văn phòng Chính phủ đã chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, cập nhật liên tục, kịp thời báo cáo, đề xuất ban bố những quyết sách quan trọng, đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với 07 chỉ thị, 04 công điện, 34 thông báo kết luận phiên họp. Tham mưu Thủ tướng chủ trì các Hội nghị trực tuyến, chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ, vướng mắc và đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Chính phủ làm trưởng đoàn để đôn đốc kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương, nhờ đó đã tạo chuyển biến rõ nét với kết quả giải ngân cao nhất trong nhiều năm qua.
Trong công tác ứng phó bão lũ, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, lần đầu tiên tham mưu Thủ tướng thành lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tâm bão để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Năm qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 19 cuộc kiểm tra, tạo ra những thay đổi lớn trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Nhờ đó, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với trước khi thành lập Tổ Công tác.
Ghi nhận những kết quả trong năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm nay, VPCP làm tốt, có mặt làm xuất sắc, tốt hơn năm 2019.
“Chính phủ chúng ta là Chính phủ phục vụ nhân dân, hướng về nhân dân, hướng về sự phát triển chứ không chỉ quản lý đơn thuần, Chính phủ có uy tín với dân, với hệ thống chính trị thì bộ máy phục vụ, bộ máy làm việc phải tốt, phải có uy tín”. VPCP đã thể hiện được điều này. “Nhiều đồng chí làm ngày, làm đêm, thường tối mịt mới về để kịp thời ra văn bản báo cáo cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay tổng hợp tình hình đột xuất, bất ngờ. Không chỉ lãnh đạo cấp vụ mà cả các đồng chí thư ký, trợ lý đều làm tốt”.
Đặc biệt, Chính phủ quản lý toàn diện mọi mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, “một máy bay rơi hay một chiếc tàu chìm ở ngoài khơi đều có liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ”. Vì vậy, VPCP đã tham mưu phục vụ Chính phủ theo tinh thần này, Thủ tướng nói.
Xuân An