Tác phẩm “Hiến đăng sứ” của Yoko Tawada (dịch giả Nguyễn Thị Ái Tiên và Nguyễn Đỗ An Nhiên) thuộc thể loại viễn tưởng, phản địa đàng (khái niệm dùng để chỉ các xã hội, các thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ).

hien dang su 4.jpg
Cuốn sách thuộc thể loại viễn tưởng, phản địa đàng

Xuất bản lần đầu tại Nhật Bản năm 2014, tác phẩm gồm 4 truyện ngắn và 1 vở kịch, đặt trong bối cảnh Nhật Bản trải qua một cơn thảm họa, khiến cuộc sống bị đảo lộn, hiện tượng đột biến diễn ra khắp nơi, và nước Nhật đóng cửa. 

Truyện đầu tiên và cũng dài nhất – “Hiến đăng sứ”, kể về một nước Nhật điêu tàn, người già không thể chết được, cứ sống mãi đến mức quên luôn cả ý niệm chết. Dường như mục đích sống duy nhất của họ là nhằm nuôi nấng, bảo bọc thế hệ trẻ đang bị bệnh tật và chết yểu ngày một nhiều. Lúc này, Nhật Bản phong tỏa cả nước, đồng thời các quốc gia khác cũng ngừng giao thương, hợp tác với Nhật. Tác giả miêu tả các vấn đề của nước Nhật thông qua góc nhìn của ông Yoshino và chắt của ông - Mumei. Nhật Bản muốn thoát khỏi nguy cơ đất nước sẽ biến mất, đã lập ra chương trình “Hiến đăng sứ” – chọn lọc và đưa một số trẻ em ra nước ngoài để nghiên cứu và tìm cách cải thiện cho thế hệ tương lai, thắp lên tia hy vọng cho nước Nhật đang bế quan tỏa cảng.

Trong truyện tiếp theo - “Vi đà hộ pháp ở bất kỳ đâu”, Yoko Tawada kể về mối quan hệ đồng tính của hai người phụ nữ khi nước Nhật xảy ra một trận động đất kinh hoàng. Truyện như cuộc chơi chữ, từ đó bóc tách những tầng sâu trong tâm lý nhân vật.

Truyện thứ ba - “Đảo bất tử” được sáng tác với lối kể chuyện đan lồng giữa điểm nhìn cá nhân (nhân vật xưng “tôi”) với điểm nhìn khách quan nhằm kể về một nước Nhật bị ảnh hưởng phóng xạ nặng nề. Nhật Bản từ vị trí là một quốc gia được tôn trọng trở thành một đất nước với cái tên bị ghê sợ, gắn liền với “nhiễm độc”. 

Và truyện thứ tư - “Bên kia bờ hạnh phúc” kể về nước Nhật nơi người dân lần lượt rời khỏi. Truyện được kể dưới góc nhìn của Sede (một cựu thượng nghị sĩ), qua đó thể hiện nỗi lo lắng của tác giả về việc danh tính Nhật Bản có thể bị biến mất. 

Cuối cùng là vở kịch “Tháp Babel của các loài vật”, trong đó các loài vật biết nói về sự tồn tại của chúng trong thế giới không còn bóng dáng của con người… 

Độc giả từng đọc qua các tác phẩm phản địa đàng u ám nhất như “Chuyện người tùy nữ” của Margaret Atwood hay “451 độ F” của Ray Bradbury… sẽ bắt gặp lại trong “Hiến đăng sứ” sự biến ảo của một cây bút tài năng, “phù thủy” có khả năng hư cấu nên những biểu tượng đầy ám ảnh, vô cùng phi lý. 

Cũng như những văn tài đang lo lắng và phần nào đó tiên tri về xã hội loại người đầy khủng hoảng, thông qua “Hiến đăng sứ”, Yoko Tawada bày tỏ cảm xúc quan ngại về một nước Nhật u ám, bất định. Nhưng sự lo lắng của tác giả không thuần túy dựa trên một trào lưu văn học hay thuần văn học nào, mà xuất phát từ điều duy nhất là tình yêu đối với nước Nhật. 

Theo đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ, “Hiến đăng sứ” là một tác phẩm phản địa đàng đầy mê hoặc, được viết với giọng điệu điềm tĩnh như không, không có gì cố tình gây sốc, chỉ là biến cái bình thường thành kỳ lạ và kỳ lạ thành bình thường. Chính điều đó sẽ hấp dẫn độc giả ngay khi lật mở những trang đầu tiên.

Tác phẩm đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của độc giả quốc tế. Chẳng hạn, Sjón (tiểu thuyết gia, nhà thơ người Iceland nhận định: “Hiến đăng sứ” dẫn dắt chúng ta vượt ra mọi giới hạn của con người, để nhắc nhớ chúng ta những gì phải trân trọng nhất trong thế giới đang xung đột này, cũng như trong nhân loại.

Còn theo The Guardian (Anh) đánh giá, đây là   “Một tiểu thiên anh hùng ca về khủng hoảng sinh thái, chính kịch gia đình và giả tưởng tự biện. Mối quan tâm của Tawada vừa châm biếm nhưng cũng vừa bi kịch… Chính cách nhìn có phần lạ hóa đến mức lệch lạc này, giữa hiện thực có phần nghiệt ngã nhưng được mô tả qua ngôn ngữ uyển chuyển, đã khiến “Hiến đăng sứ” trở thành quyển sách độc nhất vô nhị”.

Tiểu thuyết gia Yoko Tawada sinh năm 1960 ở Nhật, sinh sống và sáng tác tại Đức, là tên tuổi nổi bật trên văn đàn thế giới hiện nay.

Nhiều tác phẩm của bà được các nhà phê bình nước ngoài đánh giá là pha trộn nhuần nhuyễn giữa chất siêu thực và hiện thực, phá vỡ ranh giới giữa thực và ảo, giữa lý tính và cảm tính… 

Lê Na và nhóm PV, BTV