“Sống chung với dịch”

Dưới đây là ý kiến của TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) về góc nhìn “sống chung với dịch”:

Khi tìm kiếm cụm từ “sống chung với dịch” hay “chung sống với dịch”, Google sẽ cho ra tổng cộng khoảng 300.000 kết quả.

Nhiều tờ báo có lượng độc giả lớn cũng dùng cụm từ “sống chung với dịch”, thậm chí giật tít một cách thản nhiên.

Những người cổ xúy cho “sống chung với dịch” thường viện dẫn kế hoạch (mà thực ra mới chỉ là phác thảo ý tưởng) của chính phủ Singapore và Úc. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, họ sẽ thấy cả Singapore và Úc đều không hề chủ trương sống “sống chung với dịch”, mà là vượt qua đại dịch để sống chung với virus SARS-CoV-2.

Rõ ràng là “sống chung với dịch” Covid-19 và “sống chung với virus" SARS-CoV-2 về bản chất là hoàn toàn khác nhau.

 

{keywords}
Đẩy nhanh tiêm phủ vaccine 

Trong trường hợp của Úc, Thủ tướng Scott Morrison phác thảo 4 giai đoạn để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Thủ tướng Úc cũng không thể nêu rõ lịch trình cho từng giai đoạn, vì nó “phụ thuộc vào các mục tiêu tiêm chủng”, với thực tế là chương trình tiêm chủng của Úc đang bị chậm một cách đáng kể so với kỳ vọng ban đầu.

Tương tự như vậy, chính phủ Singapore cũng không hề tuyên bố sẽ “sống chung với dịch”, mà đặt ra mục tiêu “sống cùng với Covid-19 một cách bình thường” bằng cách biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn nhiều, như cúm mùa chẳng hạn, thông qua bốn trụ cột là vắc xin, xét nghiệm, điều trị, và trách nhiệm xã hội của người dân.

Tóm lại, cả Úc lẫn Singapore đều không có chủ trương "sống chung với dịch", và cổ xúy cho điều này là một ý tưởng nguy hiểm.

Tôi hy vọng là, với nhiều người, đây chỉ là một lỗi diễn đạt ngôn ngữ chứ không phải là niềm tin thực sự của họ, bởi vì nếu nó là niềm tin thực sự thì cái giá phải trả sẽ là rất nhiều sinh mạng và sự suy thoái kinh tế theo sau cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi về y tế.

Trái lại, sống chung với virus SARS-CoV-2 là một hiện thực khách quan, bởi vì dù muốn hay không chúng ta cũng không thể tiêu diệt hoàn toàn virus này, và do đó chẳng có lựa chọn nào khác là phải sống chung với nó.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể sống chung một cách bình thường với Covid-19 một khi nó không còn là đại dịch, khi đa số người dân đã được tiêm chủng vaccine, và khi bệnh viện không bị quá tải bởi bệnh nhân Covid-19.

Chiến lược 'thoát' Covid-19

Từ Úc, BS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, công chúng đã quá mệt mỏi với những thống kê về số ca nhiễm mỗi ngày. Ở Úc, có thể nói cả nước cứ thấp thỏm về mấy con số này. Nhiều chuyên gia bắt đầu chất vấn về ý nghĩa và ứng dụng của chúng.

Ở Sydney, số ca nhiễm chỉ chừng 20-30 mỗi ngày. Nhà chức trách quyết định 'lockdown' thành phố 3 tuần. Chỉ 3 tuần đó, kinh tế của thành phố thiệt hại hơn 2 tỉ USD. Đó là chưa nói đến những thiệt hại về sức khoẻ và tinh thần cho hàng vạn người mà nhà chức trách không thể thấy được.

Chính phủ Úc đã lên kế hoạch 4 giai đoạn để thoát Covid-19:

Giai đoạn 1: Tiêm vắc xin cho đa số dân. Du lịch và đi nước ngoài sẽ giảm xuống 50% so với thời bình thường trước đại dịch, tiêm vắc xin cho người hồi hương, thử nghiệm cách ly 7 ngày (thay vì 2 tuần);

Giai đoạn 2: Du khách và đi nước ngoài sẽ khôi phục 100% như trước dịch. Ưu tiên du khách đã tiêm chủng, không lockdown hay chỉ lockdown khi tình huống hết sức nghiêm trọng;

Giai đoạn 3: Xem Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác. Không lockdown, không giới hạn đi lại nước ngoài, không giới hạn du khách đã được tiêm vắc xin;

Giai đoạn 4: Bình thường hoá như trước đại dịch.

Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên tập trung trí lực suy nghĩ cho một lộ trình như thế. Việt Nam, dĩ nhiên, có nhiều khác biệt so với Úc: Số ca nhiễm ít hơn, nhẹ hơn, nhưng ít người được tiêm vắc xin và cơ sở vật chất y tế kém hơn. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam có thể giảm xuống còn 3 giai đoạn trong lộ trình thoát Covid-19.

Tóm lại, đã đến lúc chúng ta nên ngưng đếm số ca mỗi ngày, chỉ tập trung vào số ca nặng và chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn. Sống với virus là bảo đảm sao cho cộng đồng được bảo vệ từ những ảnh hưởng nặng nề của virus. Nhưng để sống chung với virus SARS-CoV-2, ưu tiên số 1 là tiêm vắc xin

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên (ghi)