Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang bị ảnh hưởng những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) với mục tiêu tự do hóa thương mại đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Hiệp định được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam và các nước trong khu vực.

Mục tiêu của Hiệp định RCEP là sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Các nội dung đàm phán của Hiệp định RCEP bao gồm: Thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư; hợp tác kinh tế - kỹ thuật; sở hữu trí tuệ; giải quyết tranh chấp; thương mại điện tử; doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số vấn đề khác.

{keywords}
Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

TS. Hoàng Đình Nhàn, Học viện Khoa học Quân sự trong bài bình luận có tựa đề "Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Ý nghĩa và kỳ vọng" đánh giá: RCEP hoàn tất đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 thành công của Việt Nam, tạo đà cho kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, khu vực. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và thỏa thuận RCEP đang kết nối các chuỗi cung ứng khu vực và tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới cho các thị trường kém phát triển hơn.

Thời điểm ký kết của thỏa thuận này được đánh giá là kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, củng cố mong muốn hội nhập quốc tế của các quốc gia vào một khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng mở và bình đẳng hơn. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho rằng, RCEP là một trong những kết quả mong chờ nhất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và cũng đánh giá nhiệm kỳ thành công của Việt Nam. Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 đã kết thúc bằng một kết quả tích cực với việc ký kết thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới - RCEP. Hãng tin Inter Press Service có trụ sở tại Rome (Italy) nhận định, Việt Nam đi đầu trong hội nhập kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tham gia hiệp định RCEP giao thương của Việt Nam với các đối tác trong hiệp định RCEP sẽ ngày càng rộng mở. Nhiều cơ hội mới dự kiến sẽ mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tiếp cận thuận lợi hơn nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu. Đơn cử, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc để sản xuất trong nước và xuất khẩu đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Theo các chuyên gia, RCEP là khu vực tạo điều kiện lớn nhất cho Việt Nam tận dụng các ưu đãi thuế quan nội khối, do đó doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Văn Quý