Tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại thay đổi tích cực, góp phần nâng cao đời sống nông dân, nông thôn. Tiêu biểu như các mô hình: Nuôi trồng thủy sản ở xã Mỹ Hà, xã Mỹ Hưng; mô hình chăn nuôi gia cầm ở xã Mỹ Thuận; mô hình trồng hoa và cây cảnh ở xã Mỹ Tân… Tại xã Mỹ Hưng, trên cơ sở vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, dự án nuôi cá trắm đen tại 2 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản thôn 1 và thôn 2 đã góp phần giúp 10 hộ mở rộng quy mô sản xuất, tập trung xây dựng thương hiệu cá trắm đen, cá koi trở thành sản phẩm chủ lực, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Với mô hình nuôi cá koi, cá trắm đen quy mô hàng chục hecta mang lại lợi nhuận 300-500 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động nông thôn, mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

anh 1.jpeg
Thông qua liên kết sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy lợi thế.

Tương tự, tại HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa, xã Định Hòa (Yên Định, Thanh Hóa), chỉ từ 5 hộ nông dân tham gia đến nay HTX đã thu hút được hơn 50 hộ tham gia trồng dưa vàng và các loại rau an toàn. Trước tình hình khó khăn đầu ra của nhiều loại nông sản, HTX đã thể hiện được vai trò kết nối người dân với doanh nghiệp thu mua. Theo đó, HTX đã liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, HTX nông nghiệp Khánh Hồng (Ninh Bình), HTX nông nghiệp Điền Trạch (Thọ Xuân) để cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lẫn bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết sản xuất đã giúp HTX tăng gấp đôi hiệu quả về kinh tế, trung bình một năm xuất bán ra thị trường từ 20 - 30 tấn dưa/vụ và tiếp tục có xu hướng tăng. 

HTX Nông nghiệp Hiếu Lực, ở ấp Trường Hòa A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cũng là một điển hình về hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể. Khi mới thành lập vào năm 2016, HTX chỉ có 11 thành viên, với 11ha đất sản xuất lúa. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là khi bà con thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào mô hình kinh tế tập thể nên số lượng thành viên của HTX hiện là 57 người, diện tích sản xuất lúa tăng lên hơn 100ha. Hàng năm, HTX đều hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra và đảm bảo được lợi ích cho các thành viên

Từ khi thành lập đến nay, HTX Nông nghiệp Hiếu Lực luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa hiệu quả từ ngành chức năng của tỉnh, huyện, nhất là mô hình sản xuất lúa theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) như mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Hiện hàng năm, HTX đều tổ chức cho thành viên sản xuất theo mô hình lúa an toàn từ 30-40ha nhằm tạo ra sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cũng đảm bảo sức khỏe cho nông dân trực tiếp canh tác. 

Năm 2023, cả nước dự kiến sẽ có khoảng 73 nghìn tổ hợp tác với 1,1 triệu thành viên; 31 nghìn hợp tác xã với 6,7 triệu thành viên, 158 liên hiệp hợp tác xã với 870 hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60%. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt trên 22,5%. Trên 2000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. Đặc biệt, phấn đấu có khoảng 32% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Thông qua liên kết sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy lợi thế, thúc đẩy tích cực sự phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế tập thể, tự đứng ra thành lập các tổ, hội trên tinh thần cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Qua đó, lấy chất lượng làm tiên phong, chủ động, sáng tạo hơn trong sản xuất.

Có thể thấy, kinh tế tập thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Kinh tế tập thể nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thái Khang và nhóm PV, BTV