Gần 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.

Ngay sau đó, tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 3/9/2020 của UBND tỉnh Nam Định, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của tài chính toàn diện vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh tập trung thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục mở rộng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 7-1-2019 của UBND tỉnh, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tiếp vốn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực đã góp phần quan trọng trong kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó có 212 sản phẩm 3 sao và 39 sản phẩm hạng 4 sao; có 4 sản phẩm nâng hạng từ hạng 3 sao lên hạng 4 sao; có 2 sản phẩm nghêu thịt hộp Lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) và gạo sạch Toản Xuân của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) là sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao. Chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Một số địa phương đạt kết quả khá, có nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, hạng 4 sao như huyện: Hải Hậu có 78 sản phẩm, Giao Thủy có 58 sản phẩm, thành phố Nam Định có 23 sản phẩm… 

Tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Nam Định đã trở thành "công cụ hữu hiệu" giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Nam Định đã trở thành "công cụ hữu hiệu" giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động, đặc biệt là phát triển về khu vực nông thôn. Với trên 800 điểm giao dịch ngân hàng, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có trên 3,5 điểm giao dịch ngân hàng, cơ bản đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Để người dân thuận tiện trong tiếp cận với dịch vụ tài chính, các tổ chức tín dụng đã tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống các điểm giao dịch, hạ tầng dịch vụ tiện ích ngân hàng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng; dịch vụ ATM; hoạt động thanh toán qua ngân hàng đảm bảo thông suốt, chính xác và an toàn, không có sự cố nổi cộm xảy ra; các thắc mắc, khiếu nại luôn được giải đáp, xử lý một cách nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao năng lực thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhằm gia tăng mức độ sẵn có, đa dạng về dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.

Các dịch vụ tài chính về thanh toán và chất lượng dịch vụ không ngừng được các tổ chức tín dụng nâng cấp, phát triển phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt được ngành ngân hàng đẩy mạnh trên cơ sở ứng dụng rộng rãi các sản phẩm, phương thức thanh toán mới, hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless); hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, thẻ ATM thông qua định danh điện tử (eKyc) và mở rộng trả lương, thu nhập qua tài khoản; tiếp cận các đơn vị cung ứng dịch vụ công như Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước Nam Định triển khai quy trình, thủ tục đăng ký, hướng dẫn thanh toán trực tuyến các dịch vụ công qua ngân hàng đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện để cán bộ, công chức, người lao động đang nhận lương qua tài khoản dễ dàng sử dụng, dần hướng tới các khách hàng không có tài khoản ngân hàng.

Đến nay, 1.206 đơn vị (đạt 98,8%) hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã trả lương qua tài khoản. Có 262 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện trả lương qua tài khoản với 147.788 tài khoản. Đẩy mạnh phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh thực hiện thu thuế điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử đạt 99% (riêng địa bàn thành phố Nam Định đạt 99,8%). Phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đến nay, đã có nhiều trường học áp dụng dịch vụ thanh toán tiền học phí qua ngân hàng; đã ký kết hợp đồng triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt với 2 bệnh viện. 

Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về tài chính. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính của người dân, bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính, hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, ATM và POS ở vùng nông thôn. Tăng cường quản lý hệ thống tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả. Mở rộng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, quyết tâm hiện thực hoá các mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Bích Thủy, Lương Bằng, Minh Hưng, Hữu Duyên