Tại cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Sở GD-ĐT đề xuất Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác.

Theo ông Chung, nếu có 4 kỳ nghỉ thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ hè kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Ông cho biết, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.

Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà quản lý giáo dục.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm) cho rằng đề xuất này khá hợp lý. "Phương án này hoàn toàn khả thi và nếu làm được sẽ rất tốt. Nhiều nước ở Bắc Bán cầu hay Nam Bán cầu cũng đã làm được điều này dù thời tiết và tập quán sinh hoạt ở các nơi rất khác nhau”.

Theo ông Khang, việc kéo dài kỳ nghỉ hè lên 3 tháng có nhiều nhược điểm như thời gian nghỉ dài khiến kiến thức của học sinh “rơi vãi”, bị mờ đi. Việc khởi động năm học sau sẽ là một sức ì lớn, do đó rất vất vả cho giáo viên. Nếu kỳ nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày, rõ ràng sẽ giảm được điều đó và khởi động năm học mới cũng sẽ dễ dàng hơn.

“Chúng ta có cách gọi 2 học kỳ nhưng thực chất vẫn có 4 module kiến thức là giữa học kỳ I, II; cuối học kỳ I, II. Cuối học kỳ I thường trùng với kỳ nghỉ Tết và cuối học kỳ II là dịp nghỉ hè. Cho nên, nếu lấy bớt thời gian của gần 2 tháng hè chia cho thời gian Tết và 2 kỳ nghỉ 2 tuần giữa mỗi học kỳ là hợp lý. Điều này sẽ tạo ra các 'chặng' để có những 'điểm nghỉ' cho cả học sinh và giáo viên”.

Bên cạnh đó, theo thầy Khang, nếu chia thành '4 chặng' như vậy sẽ có lợi về mặt tổ chức giảng dạy và tổ chức học tập.

“Trước mỗi kỳ nghỉ 2 tuần sẽ có hoạt động ôn tập và thi cử để ‘chốt’ lại kiến thức. Như vậy cũng rất cân đối và linh hoạt. Bởi, nếu đến cuối học kỳ I mới bắt đầu ôn tập lại kiến thức của cả học kỳ sẽ rất mệt vì phải ôn tập dài hơn. Nhưng nếu chốt nửa học kỳ đầu, thì nửa học kỳ sau việc kiểm tra cũng gọn hơn, ôn tập cũng sâu hơn và việc thi cử đối với học sinh cũng nhẹ nhàng đi”.

Tuy nhiên, điều ông Khang băn khoăn là phương án này nếu được chấp thuận thì cần được triển khai đồng loạt trên 63 tỉnh thành thay vì chỉ áp dụng ở Hà Nội hay một vài địa phương.

“Ngành giáo dục có những hoạt động giáo dục ở phổ thông liên quan đến nhau và mang tính chất toàn quốc. Cho nên, nếu không thực hiện đồng bộ thì sẽ rất “loạn” và các hoạt động chung cũng sẽ bị ảnh hưởng, không nhất quán trên toàn quốc”.

Bà Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An – Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng năm nay chưa thể triển khai được nhưng nếu với các năm sau thì đề xuất này cũng hợp lý nếu xét về điều kiện của Hà Nội.

“Khoảng thời gian Tết Nguyên đán, đầu học kỳ II của năm học, không tính đến dịch bệnh Covid-19 như năm nay thì thời tiết thường mưa rét. Có những hôm thời tiết dưới 10 độ C. Kéo theo đó học sinh cũng nghỉ học vì các vấn đề sức khỏe. Do đó việc tính toán phân chia lại các đợt nghỉ như vậy xét tương đối cũng có tính hợp lý. Còn thực tế như thế nào thì vẫn cần trải nghiệm”, bà Sơn nói.

{keywords}
 

Tuy nhiên, nếu triển khai cũng cần phải có lộ trình. Bởi hầu hết phụ huynh, học sinh và giáo viên đã quá quen với việc bố trí năm học 2 kỳ học và các đợt nghỉ đan xen bao năm nay.

“Kể cả các kỳ thi từ trước đến nay vẫn tổ chức theo lối cũ. Việc phân chia lại thời gian kỳ học và kỳ nghỉ còn làm thay đổi cả hệ thống cách tổ chức thi cử, kiểm tra đánh giá.

Theo bà Sơn, nếu triển khai đề xuất này thì chương trình cấp tiểu học ít chịu ảnh hưởng nhất trong các cấp. “Hiện nay có 2 kỳ học nhưng cấp tiểu học chúng tôi vẫn kiểm tra, đánh giá học sinh theo 4 kỳ khi có bài kiểm tra giữa kỳ. Do đó ít ảnh hưởng nhất. Chỉ các cấp THCS và THPT, học sinh có các kỳ thi chuyển cấp và THPT quốc gia thì ảnh hưởng nhiều”.

Bà Sơn cho rằng, đề xuất này nếu được triển khai thì cần phải tiến hành theo lộ trình từ tiểu học lên dần.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận Đống Đa tán thành:

“Thứ nhất, việc giãn thời gian sẽ giúp hạn chế những khoảng thời gian có điều kiện bất thường về thời tiết, dịch bệnh. Đặc biệt ở Hà Nội giai đoạn sau Tết (với lịch như hiện nay) thường mưa rét buốt.

Ngoài ra, việc này cũng giúp phù hợp hơn với tâm lý của người học, không quá tải khi sau một thời gian học dài căng thẳng và được nghỉ vào dịp phù hợp.

Cùng với đó, khắc phục được sự bất hợp lý hiện nay khi kỳ hè nghỉ quá dài, trong khi các thời điểm khác được nghỉ trong năm ngắn”.

Tuy nhiên, vị này cũng chỉ ra những bất cập và khó khăn sẽ phải đối mặt, đặc biệt là thói quen lâu năm của xã hội. “Cùng đó phải tính toán sự tương đồng về ngày nghỉ của cha mẹ để có thể quản lý con. Tức phải thay đổi lớn, không chỉ lịch học, lịch nghỉ của con mà cả lịch nghỉ của cha mẹ”.

Do đó, theo vị này, để có thể triển khai theo hướng này, cần phải nghiên cứu kỹ về nhiều mặt: “Như thiết kế chương trình học của từng cấp học sao cho không bị căng về lịch học. Chẳng hạn dài thời gian năm học nhưng số tiết học trong một buổi cần ít hơn để học sinh không bị học muộn quá. Ngoài ra, cần tính toán và lập thời gian cho các kỳ thi phù hợp bởi sẽ kéo theo thời điểm tổ chức các kỳ thi thay đổi. Đặc biệt, cần có nghiên cứu, khảo sát cụ thể về sự đồng thuận của xã hội (hay còn gọi là điều tra xã hội học)”.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học quận Đống Đa không đồng tình với đề xuất tổ chức năm học theo 4 kỳ nghỉ.

“Cần phải dựa vào thực tế của Việt Nam. Việc giảm thời gian nghỉ hè là không nên, bởi tháng 6, tháng 7 là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong năm. Nhiệt độ ngoài trời khi ấy có những hôm tăng lên hơn 42-43 độ C. Tan học, phụ huynh đi đón con cũng “quay cuồng” vì mặt đường nhựa nóng hầm hập.

Người dân còn được khuyến cáo không nên ra đường, huống gì trẻ nhỏ. Đó là chưa kể trong nội thành còn có điều kiện sử dụng điều hòa, đồng thời được xây dựng với nhiều bóng cây. Nhưng với những trường không có điều kiện, nắng nóng như thế liệu trẻ nhỏ có học được hay không?

Ngoài ra, với thời tiết như vậy, mọi hoạt động giáo viên tổ chức cho học sinh cũng không thể nào triển khai được. Nếu học sinh đến trường chỉ ngồi trong phòng học, không được tổ chức các hoạt động, không được chạy nhảy thì rất khổ cho các em”.

Do đó, bà Khanh đề xuất, có thể giảm thời gian nghỉ hè xuống một tháng. Học sinh sẽ đi học sớm vào tháng 8, đồng thời tăng thời gian nghỉ Tết hoặc thời gian dự phòng cho những trường hợp nghỉ học do thời tiết quá lạnh vào mùa đông.

“Sau kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian thời tiết nồm ẩm, dễ gây bệnh cho trẻ, cho nên có thể cân nhắc tăng thêm thời gian này. Thực tế tại trường chúng tôi, có những hôm tình trạng học sinh ốm, sốt lên tới hơn 10 học sinh/ lớp; sau đó giáo viên phải bù lại bài học rất vất vả. Vì thế, có thể cân nhắc giảm bớt thời gian nghỉ hè, kéo dài thời gian nghỉ Tết, nhưng không nên chia năm học thành 4 kỳ nghỉ”, bà đề xuất.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM nhìn nhận đứng về góc độ bố trí chương trình giảng dạy, việc chia năm học ra thành 4 kỳ là không có gì khó khăn. Tuy nhiên, đứng về mặt sinh hoạt thì cần cân nhắc.

Ví dụ lấy bớt thời gian kỳ nghỉ hè để chia có 3 kỳ nghỉ còn lại. Một kỳ nghỉ sau học kỳ II hiện nay thường rơi vào sát Tết âm lịch. Tuy nhiên, có năm Tết sớm vào cuối tháng 1 nhưng có năm Tết muộn, tới tận giữa tháng hai. Vì vậy, nếu bố trí cứng thời gian kỳ nghỉ này thì có khi không trùng với nghỉ Tết - Tết lại phải nghỉ tiếp. Còn nếu bố trí linh hoạt theo Tết thì kỳ nghỉ đó có thể lại cách xa với kỳ nghỉ trước và quá gần kỳ nghỉ sau, ảnh hưởng tới việc dạy học.

"Thêm nữa, như trường tôi nằm trong khu lao động, phụ huynh phần nhiều là công nhân với lao động tự do, mỗi khi đến kỳ nghỉ hè họ thường đem con về quê gửi ông bà trông hộ. Vì vậy, nếu bố trí quá nhiều kỳ nghỉ trong năm, việc trông trẻ hoặc đưa con về quê nhờ trông cũng là một khó khăn với phụ huynh".

Vị này cũng chia sẻ nếu như Hà Nội muốn kéo dài kỳ nghỉ vào sau Tết vì khi đó miền Bắc lạnh và mưa phùn ẩm, nhưng trong Nam lại không có tình trạng này, mà nếu được hỏi ý kiến thì bà muốn cho nghỉ vào những tháng nóng nhất của mùa khô miền Nam như tháng 3, tháng 4. Hoặc như các tỉnh miền Tây có mùa nước nổi, có khi lại muốn cho học sinh nghỉ đợt đó để tránh lũ...

"Vì vậy, nếu bảo để thống nhất một lịch nghỉ chung với 4 kỳ nghỉ trên toàn quốc tôi e rằng khó. Còn nếu để địa phương tự quyết cho nghỉ theo điều kiện khí hậu từng nơi, Bộ GD-ĐT cần phải linh hoạt hơn nữa trong việc bố trí khung thời gian năm học và trao quyền nhiều hơn cho người quản lý giáo dục ở địa phương".

Thanh Hùng  – Thúy Nga

Có thể nghỉ học hết tháng 3, tổ chức 4 kỳ nghỉ trong năm học?

Có thể nghỉ học hết tháng 3, tổ chức 4 kỳ nghỉ trong năm học?

- Cùng với các quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học từ 1-2 tuần phòng dịch bệnh virus Covid-19, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM còn có thêm những đề xuất khác: Nghỉ học hết tháng 3, hoặc tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm học.