Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.
Lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rùa
Làm gì để cứu cụ rùa Hồ Gươm? Cụ rùa Hồ Gươm sẽ uống... bột tam thất? "Cụ muốn gì, người Hà Nội có biết chăng?" |
Bạn đọc Phạm Hoàng Hải, Kỹ sư Kinh tế Thủy Sản (Công ty TNHH Biển Việt, 259 Thống Nhất - Nha Trang) đề xuất giải pháp cần thực hiện ngay, đó là hô hấp nhân tạo, làm nhà an dưỡng để chăm sóc sức khỏe cụ rùa.
Ông Hải viết:
“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng như nhiều người dân cả nước rất lo lắng
và quan ngại cho sức khỏe của cụ rùa Hồ Gươm. Chúng tôi đánh giá cao các cơ quan
chức năng của Hà Nội đã có nhiều cuộc hội thảo và thu thập ý kiến của các nhà
chuyên môn trong và ngoài nước nhằm tìm cách cứu lấy cụ rùa. Tuy nhiên chúng tôi
thấy dường như chưa có biện pháp hữu hiệu và tức thì nào đưa ra trong khi sức
khỏe của cụ rùa ngày một yếu, bằng chứng là cụ đã phải ngoi lên nhiều lần trong
những ngày qua. Có lẽ trong lúc này nếu làm được gì, ta phải làm ngay, chứ cứ
bàn bạc nhiều quá e sẽ không còn kịp nữa.
Tuy không nghiên cứu về sâu về rùa, nhưng với chút ít kinh nghiệm trong ngành nuôi trồng thủy sản, cùng với việc tham khảo các nguồn thông tin có sẵn, chúng tôi thấy nguyên nhân làm cho cụ rùa của chúng ta ngày càng yếu ngoài lý do tuổi tác thì nguyên nhân chính là do môi trường sống của cụ ngày càng bị tàn phá và ô nhiễm nặng nề.
Dùng hệ thống quạt dàn sục không khí để bổ sung ô-xy cho nước hồ Gươm. - Ảnh: Bạn đọc Phạm Hoàng Hải cung cấp. |
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của nhiều loại động vật gây hại như rùa tai đỏ và có cả mối nguy do sự thiếu ý thức của con người... Ai cũng thấy, người cụ ngày càng nhiều nhiều vết thương lở loét, có lẽ khởi nguồn từ việc va chạm với rác rưới hay vật cản dưới hồ, bị dính câu của con người hoặc bị rùa tai đỏ tấn công. Các vết thương này trước kia sẽ tự lành nhanh chóng, nhưng do tuổi cụ đã cao, sức đề kháng giảm, cộng với tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm nặng nên đã bị nhiễm trùng, lở loét gày càng rộng.
Còn việc cụ rùa phải nổi lên thường xuyên là do bị thiếu ô xy trong nước hồ, điều này giống như các loại thủy sản khác khi thiếu ô xy đều phải ngoi lên mặt nước để thở.
Vì vậy, theo tôi, có thể làm ngay hai việc cấp bách: Hô hấp nhân tạo cho cụ rùa. Tôi nghĩ trước tiên là phải cung cấp thêm ô xy cho cụ để cụ duy trì đến khi tìm ra biện pháp chữa bệnh cho cụ. Chúng ta có thể làm việc này một cách đơn giản qua việc bổ sung ô xy cho nguồn nước Hồ Gươm bằng cách lắp đặt các dàn quạt sục không khí cho hồ gươm như tại các hồ nuôi tôm cá.
Loại thiết bị này rất rẻ tiền, lắp đặt mau và rất hữu hiệu trong việc bổ sung ô xy cho nước hồ. Để cụ rùa không vô tình vướng vào các cánh quạt đang hoạt động, ta nên làm lồng bằng lưới thép bao quanh khu vực các dàn máy sục khí, việc này cũng không khó. Theo tôi biết, diện tích Hồ Gươm khoảng 16,2 hecta thì có thể bước đầu dùng 32 dàn máy loại 24 cánh, kết hợp với máy sục khí ô xy đáy càng tốt. Sau đó kiểm tra nồng độ ô xy trong nước hàng ngày để quyết định thêm hay bớt các quạt sục khí hay máy sục khí.
Làm nhà an dưỡng cho cụ rùa: Khi cụ rùa đã có đủ khí ô xy để thở thì việc tiếp đến là phải tìm cách chữa bệnh và làm sạch nguồn nước cho cụ. Việc làm sạch nguồn nước Hồ Gươm tốn thời gian và vẫn chưa có giải pháp rõ ràng, việc chữa bệnh cho cụ thì vẫn còn bàn cãi vì chưa biết cụ bệnh gì, dùng thuốc gì để chữa, hơn nữa cách thức đưa cụ lên bờ để chữa như nhiều người đề cập hiện nay hàm chứa quá nhiều rủi ro. Có lẽ điều làm được ngay là tạo ra một khu vực an toàn ngay trong Hồ Gươm, nơi có môi trường sạch làm "nhà" dưỡng sức cho cụ trong khi chờ chữa bệnh tiếp theo.
Muốn vậy ta cho đắp ngay một cái ao rộng khoảng 1.000m2 tại một khu vực yên tĩnh trong hồ. Ao này có thể lót đáy bằng bạt như ao nuôi tôm để hạn chế ô nhiễm từ đáy hồ và dùng nguồn nước sạch bơm vào từ bên ngoài hoặc dùng ngay nước Hồ Gươm qua hệ thống bơm lọc xử lý nước. (Chắc chắn làm thế nào để có nguồn nước sạch trong cái ao 1.000m2 dễ hơn nhiều so với làm sạch cả 16 hecta). Đáy ao không làm bằng phẳng mà nên có những khu vực trồi lên mặt nước để cụ rùa có nơi trèo lên nghỉ ngơi. Trong quá trình cụ tạm trú lại ao này, có thể cho cụ ăn các loại thức ăn bổ dưỡng hoặc thuốc bổ để tăng sức đề kháng, đồng thời phải có cán bộ có chuyên môn theo dõi thường xuyên sức khỏe của cụ cũng như theo dõi điều kiện mội trường ao để xử lý kịp thời mọi vấn đề phát sinh.
Đóng cọc ngăn hồ, nạo vét hồ Gươm
Bạn đọc Phạm Ngọc Diệp “hiến kế” nạo vét Hồ Gươm để cải tạo mội trường sống của cụ rùa. Bạn Diệp chia sẻ: Ai đã từng đến Hà Nội khó mà quên được Hồ Hoàn Kiếm, mặc dù có thể không thấy cụ rùa, song trong tâm niệm mọi người vẫn tin rằng cụ rùa luôn ở đó. Hồ Hoàn Kiếm có cụ rùa, đó là lịch sử, là văn hóa, là tự hào dân tộc với những câu chuyện lịch sử hào hùng khó quên. Nhưng trong thời gian gần đây, mọi người đã thấy cụ rùa ở tình trạng nguy kịch bất thường và nhìn kỹ sự ô nhiễm quá mức của Hồ Hoàn Kiếm, có lẽ ai cũng bức xúc và lo lắng cho cụ rùa và cảnh quan của Hồ Hoàn Kiếm.
Do mực nước xuống thấp, các chỗ cụ rùa muốn nghỉ lại nhô cao lên và cụ vừa bị thương, vừa bị ô nhiễm, vừa bị mất chỗ phơi mình mà luôn luôn ở trong nước nông và lạnh, nên cụ rùa rất tồi tệ về sức khỏe. Phương pháp tạm thời dồn nước về một bên (mực nước cao hơn bình thường khoảng 70%) để cụ có thể thoải mái nghỉ ở chân Tháp Rùa, có thể bơi trong nước mà không bị sặc bùn, nước nhiều và sâu hơn sẽ giúp cụ rùa đỡ lạnh.
Nhân tiện có thể tiếp cận, theo dõi, xét nghiệm các vết thương và thân thể của cụ rùa để chữa trị. Trong khi không thay đổi gì môi trường sống của cụ rùa như xưa thì có thể cải tạo lòng hồ phía Thủy Tạ và tự do thử nghiệm cho đến bao giờ yên tâm với mọi thông số phù hợp với cụ rùa. Sau Tết Âm lịch, nước đang cạn cũng là lúc dễ thi công nhất.
Tiêu diệt rùa tai đỏ để loại bỏ động vật xâm hại đe dọa cuộc sống của cụ Rùa là một trong nhiêu giải pháp được bạn đọc chia sẻ cũng VietNamNet - Ảnh: Rùa tai đỏ ngồi trên lưng cụ rùa (Nguồn: Dân trí). |
Cách thức nạo vét Hồ Gươm như sau: Phân chia Hồ Hoàn Kiếm ra làm 2 phần bằng cách đóng 700 cọc bê tông cốt thép 300 x300 x 5000(mm), các cọc sát nhau tạo thành thành ngăn theo hướng Đông sang Tây (Nhà hàng Lục Thủy sang Sở Điện lực). Để góc các cọc bê tông không làm rách vải do cạnh nhọn, sắc thì quét hắc ín vào cạnh cọc. Mép cọc trên ngang bằng với vỉa hè và có vòng tai để xuyên thanh sắt Ф20. Để cọc không bị nghiêng, cần đóng hỗ trợ khoảng 3-5 cọc dài (phải khảo sát các điểm đóng có nền cứng ra sao để cọc chôn sâu mà không bị nghiêng cọc khi bị kéo) cách dãy cọc thành khoảng 10m để làm néo giằng. Chọn các cọc bê-tông đúc thẳng và đều để khi các cọc đóng sát nhau, kẽ hở giữa các cọc dưới 5mm.
Dùng 2 tấm vải bạt ép polimer kích cỡ dài 220m, rộng 4m làm màng ngăn hai phần Hồ Hoàn Kiếm. Nếu tiến hành làm phần hồ phía Thủy Tạ thì hai tấm này đặt phía Tràng Tiền. Khi phía Tràng Tiền mực nước cao, hai tấm này ép vào nhau và ép vào thành ngăn bằng cọc bê tông, mép trên của vải thì gá vào mép trên của cọc, mép dưới tấm vải thừa khoảng gần 2m thì để trải trên đáy bùn trầm tích và cho các thanh bêtông 100x100 x 3000 (mm) nối nhau đè lên vải.
Tạo 3 khoang lọc nước, mỗi khoang khoảng 100m2 để gạn lọc nước mạch, nước rò, nước cặn để bổ sung sang bên phía Tràng Tiền khi cần thiết, riêng bùn cặn thải thì đem đổ đi. Bơm phần nước trong hồ phía Thủy Tạ sang phía Tràng Tiền (khoảng 70% nước tương đương khoảng 35.000- 40.000m3), còn 30% có lẫn bùn (dung dịch bùn) bơm theo cống ra sông. Trong khoảng 15.000m3 nước cặn lẫn bùn sẽ cuốn đi khoảng 1.500 m3 bùn hay chỉ hớt đi khoảng 3cm đáy hồ.
Trong khi bơm, thu gom những loài cá cũng như phát hiện cụ rùa thì chuyển cụ sang phần hồ phía Tràng Tiền, đồng thời gom hết rùa tai đỏ đi hủy. Khi lòng phần hồ phía Thủy Tạ cạn thì tiến hành nạo, đào tạo độ sâu từ đáy lên mặt đường 3m, riêng giữa lòng phần hồ phía Thủy Tạ, tạo rốn hồ bằng cách đào sâu thêm 1,5m để chứa nước mạch, đồng thời tiến hành kè chân bờ Hồ.
Theo tính toán thì phần lòng hồ phía Thủy Tạ sẽ nạo vét và chở đi khoảng 50.000 m3 bùn và rác của hồ Hoàn Kiếm. Sau khi cải tạo bằng phẳng lòng hồ phần phía Thủy Tạ, nếu đáy hồ thiếu lớp bùn lót dành cho sinh vật đáy thì có thể bơm hút một phần bùn phía Tràng Tiền sang.
Dùng nước mạch giữa lòng hồ bơm rửa vật liệu kè bờ và thải theo cống thoát ra sông. Sau khi tạo xong lòng hồ mới phía Thủy Tạ, bơm nước phần hồ phía Tràng Tiền sang xử lý thau rửa mặt bằng, bờ hồ. Xử lý xong, tháo nước hồ phía Tràng Tiền về, tạo độ sâu nước phía Thủy Tạ khoảng 1m đến 1,5m để phơi nước, tảo sinh sản khoảng 1-2 tháng. Khi môi trường nước được phục hồi, rút dần nước từ phía Tràng Tiền sang phía nhà hàng Thủy Tạ và chuyển cụ rùa cùng các giống cá sang. Luôn luôn sử dụng chong chóng đảo nước, tăng bọt và ôxy cho nước hồ hoặc làm luôn một tháp phun nước.
Khả năng nước mạch ngầm sẽ đùn lên và kết hợp với vài đợt mưa trong khoảng thời gian hai tháng, nước hồ Hoàn Kiếm sẽ đầy. Sau khi quan sát cụ rùa và các loài sinh vật sống khỏe mạnh với nửa phần hồ phía Thủy Tạ, lúc đó có thể tiến hành nạo vét và đào sâu phần hồ phía Tràng Tiền. Kết quả sẽ có: Hồ Hoàn Kiếm sạch, đẹp, có cụ rùa trường sinh và thân thiện.
Sau đó, nhổ cọc và để vài chục năm sau có thể dùng lại. Chi phí cả thảy khoảng 10 tỷ đồng cho nạo, vét, kè, cải tạo đáy hồ thành Hồ Hoàn Kiếm với độ sâu 3m so với vỉa hè.
Kiên Trung (tổng
hợp)
Làm gì để cứu cụ rùa Hồ Gươm?
Cụ rùa Hồ Gươm sẽ uống... bột tam thất?
"Cụ muốn gì, người Hà Nội có biết chăng?"