Là huyện miền núi, biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, Thạch An có 13 xã, 1 thị trấn, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn. Đây là địa phương có 5 dân tộc sinh sống gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh nhưng có đến 46,7% là hộ nghèo.

Để từng bước giúp người dân nghèo cải thiện cuộc sống một cách bền vững, đa chiều, lãnh đạo UBND huyện Thạch An chỉ đạo tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những mục tiêu sát với thực tiễn, nhu cầu.

W-giam ngheo mien nui.jpg
Trẻ em ở các tỉnh miền núi phía Bắc được quan tâm giáo dục, đào tạo thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo.

Chăm lo đến việc làm, trao sinh kế giúp người dân có "công cụ" giảm nghèo, UBND huyện Thạch An phân bổ trên 9,6 tỷ đồng đầu tư 24 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo từ trồng cây thạch đen, lê, hồi, chè hữu cơ chất lượng cao, bí xanh thơm; 17 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp cải thiện dinh dưỡng như khoai tây, lạc, đỗ, ngô ngọt…

Năm 2024, Thạch An triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 tại 6 xã gồm: Đức Long, Thụy Hùng, Lê Lai, Trọng Con, Thái Cường và Kim Đồng. Dự án được đánh giá có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, góp phần giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Cuối tháng 7, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thạch An phối hợp tổ chức chức trao tặng trâu sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Đức Long. Dự án được triển khai với 142 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã này. Mỗi hộ được trao tặng 1 con trâu sinh sản, mỗi con nặng trung bình từ 300kg đến 350kg.

Trước khi được trao đến người dân, trâu được tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục, lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Ngoài việc được hỗ trợ trâu miễn phí, các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản và cách phòng trị bệnh.

Kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tại Thạch An cho thấy, huyện có 36.000 lượt người thuộc diện trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh, sinh viên được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, tín dụng chính sách phát triển mô hình kinh tế, lao động, học tập…

Trên 2.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên diện hộ nghèo được tiếp cận vay hơn 130 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội để đầu tư các mô hình sinh kế phù hợp, đi học chuyên nghiệp, học nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động.

Bên cạnh chính sách tín dụng, bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội khác. Trên 23.000 lượt bà con dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí. Cùng đó, hơn 2.600 học sinh được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp gần 1 tỷ đồng.

Các chính sách an sinh xã hội, bù đắp các chiều thiếu hụt được đưa đến đúng địa chỉ, đối tượng, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người nghèo, cận nghèo được nâng cao. Đây là điểm sáng trong chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Thạch An.

Đến cuối năm 2023, huyện Thạch An đã giảm 512 hộ nghèo (tương đương đạt 6,31%); giảm 103 hộ cận nghèo (1,26%). Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững...

Lãnh đạo UBND huyện cũng tập trung đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, xã, thị trấn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện hồ sơ; mua sắm vật tư, con giống cấp phát cho nhân dân nghèo. Cùng với đó, huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình khác tạo nguồn lực mạnh mẽ, thực hiện thành công nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.