Linh hoạt điều chỉnh các chính sách tiền tệ

Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP trong đó có một nội dung quan trọng là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, điều chỉnh hệ số rủi ro các phân khúc bất động sản khác nhau.

Nghị quyết 144 cũng yêu cầu rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN cần tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; theo dõi việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, NHNN phải có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Nghị quyết 144 được xem là một giải pháp mạnh mẽ nhằm tăng cung tiền cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, nhằm phá lớp băng gây cản trở quá trình hồi phục tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ngưng hiệu lực thi hành một số quy định về cho vay theo Thông tư 06. Cụ thể, ngừng khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).

Động thái này được cho là giải pháp giúp hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành bất động sản.

Trên thực tế, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 của Thông tư 06 được ban hành với mục đích cao nhất là kiểm soát được chất lượng tín dụng thông qua việc cố gắng kiểm soát mục đích sử dụng vốn của các khách hàng, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD. 

Tuy nhiên, hiện có đến 90% các dự án đều gặp vướng mắc, không đủ điều kiện vay theo Thông tư 06. Việc bãi bó một số điều khoản của Thông tư 06 giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng từ nay đến cuối năm.

Các dự án cao tốc được đẩy mạnh (Ảnh: M.Hà)

Trong hơn 3 tháng đầu năm 2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 10 giúp tháo gỡ những nút thắt hành chính cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản hay Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội,…

Đây đều là những giải pháp nhằm khơi thông bế tắc trên thị trường bất động sản - một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế.

Thị trường bất động sản trầm lắng từ giữa năm 2022 khi lãi suất ngân hàng tăng cao. Việc tiếp cận vốn cho bất động sản khó khăn do tính thanh khoản của bất động sản thấp và ngân hàng không ưu tiên cho vay bất động sản; kể cả dù được vay doanh nghiệp, cá nhân cũng phải đắn đo do lãi suất khi đó ở mức khoảng 13-15%/năm.

Từ đầu năm 2023, Nhà nước đưa ra các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển thị trường bất động sản, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, dù lãi suất đã hạ, việc tiếp cận vốn đã dễ dàng hơn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, do dòng vốn đang tắc, tâm lý nhà đầu tư, người dân còn bi quan với sự phục hồi nền kinh tế và ngành bất động sản.

Tuy nhiên, lãi suất gần đây có giảm nhanh và với xu hướng này, thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ được hưởng lợi nhiều.

Về lãi suất, trong nửa đầu năm 2023, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm khoảng 150-200 điểm: tái chiết khấu từ 4,5% xuống 3%; lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 4,5%; và lãi suất qua đêm liên ngân hàng từ 7% xuống 5%. Mục đích là để hỗ trợ tăng trưởng thông qua kênh tín dụng. Đây là động thái tiếp theo nhằm giảm chi phí tài trợ vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó khuyến khích môi trường kinh doanh và hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng.

Đẩy mạnh đầu tư công

Bên cạnh chính sách tiền tệ, Chính phủ cũng đẩy mạnh hoạt động đầu tư công với những dự án rất lớn.

Hôm 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bấm nút khởi công hai gói thầu quan trọng của siêu dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, gồm hạng mục nhà ga hành khách và xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình đường cất - hạ cánh, sân đỗ máy bay, với tổng vốn đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng.

Đây là một nỗ lực rất lớn nhằm xây dựng sân bay lớn nhất cả nước (công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm), dự kiến đưa vào khai thác năm 2025 với mục đích phát triển kinh tế, trong đó có du lịch.

Ngay đầu tháng 9, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phấn đấu khởi công xây dựng các dự án thành phần thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Quảng Bình đến Phố Nối - Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng trong tháng 9 này.

Dự án nhằm đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, không để thiếu điện như dịp hè 2023.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; chậm nhất tháng 6/2024 phải hoàn thành, vận hành dự án.

Cấp tốc xây dựng thêm đường dây truyền tải (Ảnh:M.Hà)

Hồi cuối tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát lệnh khởi công dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô, đi qua 3 tỉnh, thành Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh với tổng chiều dài gần 113km, và tổng mức đầu tư hơn 85,8 nghìn tỷ đồng. Dự án trên sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông hiện nay tại thủ đô, đồng thời sẽ tạo nên sự kết nối vùng với các tỉnh và tạo ra không gian phát triển mới cho những nơi có dư địa để phát triển nhưng giao thông còn ách tắc.

Rất nhiều dự án đầu tư công lớn đã được khởi công trên khắp các tỉnh thành. Các dự án đường cao tốc, sân bay, cảng biển… tiếp tục được đẩy mạnh thi công, trong đó có cao tốc Bắc Nam.

Theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 711.000 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt gầ 268 nghìn tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch.

Bên cạnh việc giảm lãi suất, nhiều chuyên gia đánh giá cao chính sách tài khoản. 

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích MBS cho rằng, giải pháp tốt nhất trong năm 2023 là đẩy mạnh đầu tư công, tập trung đẩy tiến độ giải ngân cho một số dự án, ví dụ như dự án Sân bay Long Thành.

Nhiều dự báo cho rằng, Việt Nam có thể khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 nhưng động lực cho phát triển trung-dài hạn vẫn được duy trì khi mà xuất khẩu đang tăng trở lại, các cân đối lớn vĩ mô tiếp tục được đảm bảo, ngành ngân hàng duy trì được sự ổn định, sự phục hồi sau Covid...

Chuyên gia từ S&P Global Market Intelligence gần đây cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á trong 5 năm tới, nhờ nhiều yếu tố như: đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ; chi tiêu mạnh cho cơ sở hạ tầng trong nước; hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; các hiệp định thương mại…

Mạnh Hà