Hiện nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là thước đo chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam, trong đó chỉ số về các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp dễ tiếp cận và phù hợp với doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cấu thành chỉ số PCI (có trọng số cao nhất, thường chiếm 20%).
Bộ Tư pháp đánh giá, thực tiễn cho thấy các tỉnh, thành phố có xếp hạng PCI cao thì chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp cao. Như vậy, chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề pháp lý đã ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý trên thực tiễn vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân.
Tiếp cận doanh nghiệp để hỗ trợ pháp lý vẫn khó
Kết quả Báo cáo khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam là rất lớn, quan trọng, cùng với nhu cầu tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghiệp; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường… Là một trong 7 hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn liền các hình thức hỗ trợ khác, tạo cơ sở thúc đẩy, phát triển các hình thức này.
Vì vậy, công tác hỗ trợ pháp lý đến từ các cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và công đồng doanh nghiệp nói chung. Việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan Nhà nước cũng gặp khó khăn khi muốn "giúp" doanh nghiệp vì đa phần, các đơn vị này không bố trí riêng kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 71.6% số các đơn vị tham gia khảo sát. Ngoài ra, cơ quan, đơn vị còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận doanh nghiệp. Không ít trường hợp, tuy doanh nghiệp biết đến, nhưng không tương tác với Chương trình, thậm chí từ chối được hỗ trợ, chiếm tới 40.6% doanh nghiệp được khảo sát. Kết quả, ất ít doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ pháp lý bởi các cơ quan đơn vị, con số này chỉ đạt 26.9%.
Trong khi đó, đa số cán bộ, công chức, viên chức tham gia khảo sát đánh giá trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay ở mức trung bình.
Ngoài ra, văn hóa pháp lý, hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao, chưa có sự chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức dịch vụ pháp lý tham gia khảo sát về cơ bản cho rằng đa số khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu tư vấn pháp luật khi rủi ro pháp lý đã xảy ra; ít doanh nghiệp chủ động tiếp cận dịch vụ tư vấn để phòng ngừa trước rủi ro pháp lý (63.5%); doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ sử dụng dịch vụ pháp lý bên ngoài khi doanh nghiệp không có bộ phận/cán bộ pháp chế (53.9%).
Khi tiếp cận các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, gặp nhiều vướng mắc: Không biết văn bản pháp luật mới ban hành (43.8%), không kiểm tra hiệu lực của văn bản (21.6%); không hiểu nội dung của văn bản pháp luật (21.3%); không biết tìm văn bản pháp luật ở đâu (14.9%).
Các số liệu thống kê cho thấy chỉ 33.9% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã từng theo dõi các chương trình phát thanh hoặc truyền hình về các chủ đề pháp luật; 14.6% đã từng xem các video có nội dung về cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật; 16% đã từng có đại diện tham gia các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Số liệu thống kê trên bao gồm cả những chương trình phát thanh, truyền hình, video, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, lớp bồi dưỡng được xây dựng, tổ chức bởi những cá nhân, tổ chức khác. Do đó, tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận với các hoạt động của Chương trình có thể thấp hơn nữa so với số liệu khảo sát.
Ngược lại, 33.2% doanh nghiệp cho rằng mạng lưới tư vấn viên pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ hoạt động không hiệu quả.
Cần tăng cường vai trò của Nhà nước
Từ những cơ sở thực tiễn trên, trong giai đoạn mới, công tác đổi mới hỗ trợ pháp lý cần được làm mạnh và tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác này. Đây là điều cần thiết khi doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng dễ gặp phải rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại ít chú trọng đến, hoặc không có đủ nguồn lực để sử dụng dịch vụ pháp lý.
Trong buổi Hội nghị đối thoại về nâng cao chất lượng công tác pháp lý mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật đang thay đổi dần theo hướng tích cực, nhưng chưa thực sự phổ biến, chưa tạo thành tâm lý tuân thủ pháp luật một cách triệt để. Hơn nữa, việc quản lý tuân thủ pháp luật ở Việt Nam theo kiểu “nắm người có tóc” khiến doanh nghiệp càng có tên tuổi càng mất nhiều chi phí tuân thủ pháp luật hoặc doanh nghiệp “không muốn lớn”… Do đó, Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện pháp luật như thế nào; có cơ chế quản lý thiên về quản lý rủi ro, có tiêu chí rõ ràng, công khai (như ngành Hải quan đang áp dụng theo luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ) để doanh nghiệp gìn giữ, có động lực tuân thủ pháp luật.
Theo nghiên cứu của Bộ Tư pháp, lĩnh vực pháp luật mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên đề nghị cơ quan, tổ chức giải đáp vướng mắc là pháp luật pháp luật về đầu tư (42.1%); pháp luật về hợp đồng (34%); pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (26.9%)....
Bộ Tư pháp tổng hợp 3 giải pháp chính là: Một là, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin pháp lý thông qua website của Chương trình
Hai là, mở rộng mạng lưới tư vấn viên của các Bộ, ngành; mở rộng phương thức tiếp nhận và trả lời phản ánh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng, hội nghị diễn đàn; tăng số lượng, nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường hoạt động cung cấp thông tin pháp lý qua tăng tần suất phát sóng các chương trình trên Đài Truyền hình và các kênh khác.