Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp giúp dân tăng tính chủ động
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và đẩy nhanh phát triển nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nông dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM giai đoạn 2016 - 2020.
UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện việc tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chỉ đạo các xã, thị trấn sản xuất nông, lâm nghiệp theo kế hoạch; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
Hòa An đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. |
Việc thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng cường tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất. Huyện chủ trương tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống, biện pháp canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập.
Hòa An xác định, phát triển nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình XDNTM của các địa phương, là nền tảng, cốt lõi trong thực hiện các tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất. Vì vậy, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đòi hỏi các địa phương cần triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực, huyện Hòa An triển khai đồng bộ cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Trong đó, khuyến khích và hỗ trợ các hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện quy trình giám sát an toàn dịch bệnh, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng…
Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giá trị, chất lượng; từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; phát triển chăn nuôi nông hộ đối với vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa; tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Nhiều mô hình chăn nuôi VietGap (chăn nuôi sinh học an toàn) trên địa bàn đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hoàng Tung, Hồng Việt… Tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2019 có 447.449 con, đạt 115,69% kế hoạch.
Khai thác tiềm năng sẵn có, đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa An chia sẻ, nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đến nay bức tranh kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm ngoái, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 30.502,79 tấn, đạt 100,01% kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 61,3 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm. 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia; 97% dân số được sử dụng điện;
100% xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 90% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt trên 35%; tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất nông nghiệp chiếm 90%; bê tông hóa và cấp phối 497 km đường nông thôn; 100% xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm; 82% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 86% số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh.
Sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển với nhiều hình thức sản xuất đa dạng, phong phú, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống cho người dân. Thực hiện Chương trình XDNTM, từ nguồn vốn đầu tư 79,385 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 73,025 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp 6,36 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ đó, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về tổ chức sản xuất trong XDNTM. Đến nay, huyện có 4 xã về đích nông thôn mới, 1 xã đạt 16 tiêu chí, 2 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 8 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Để phát huy các tiềm năng sẵn có của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện Hòa An tiếp tục khai thác tiềm năng sẵn có, tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp thông minh; chú trọng sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, khai thác có hiệu quả quỹ đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Tập trung chỉ đạo, vận động người dân thực hiện trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng đất có hiệu quả; tập trung phát triển nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá nguyên liệu, chú trọng sản xuất rau an toàn; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương.
Thu Hằng
Ảnh: Diệu Bình