Thị trường khó tính bậc nhất
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Anh là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, nhưng việc hàng hoá Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này cho thấy sự cải thiện về chất lượng đồng thời thể hiện sự tác động tích cực của Hiệp định UKVFTA.
“Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Anh tăng 8% so với năm 2021; riêng 8 tháng 2023 đạt 1,48 triệu USD. Đây là tín hiệu rất đáng mừng vì hàng hoá Việt Nam đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn cao, khắt khe của thị trường”- ông Nguyên chia sẻ.
Đánh giá tác động của hơn hai năm thực thi Hiệp định UKVFTA, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, UKVFTA đã mở rộng cánh cửa để hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu tiềm năng của thế giới; đặc biệt đây là cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam vào thị trường EU được tăng lên. Thứ hai, với các ưu đãi thuế quan tương đối lớn là lợi thế để hàng hoá Việt Nam nâng sức cạnh tranh trên thị trường Anh.
Ông Hoàng Trọng Thủy khẳng định, với việc thực thi UKVFTA đã giúp tăng lợi thế đi trước của Việt Nam so với các nước Asean khi chúng ta ký kết UKVFTA. Bởi, nhiều mặt hàng của Asean cũng tương đồng với Việt Nam nên khi thực hiện cam kết trong UKVFTA đồng nghĩa rằng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường này sẽ thuận lợi hơn.
“Ngoài ra, chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu, đảm bảo sự ổn định, chất lượng cho sản xuất hàng hoá và tham gia sâu hơn vào thị trường EU thông qua Anh”, chuyên gia này chia sẻ.
Thị phần còn nhỏ
Hiện thị phần hàng hoá Việt Nam tại thị trường Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh.
Một trong những nguyên nhân được chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ chỉ ra là do nhận diện thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại thị trường này còn thấp.
Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ nội địa hoá còn thấp, hàng hoá chủ yếu xuất khẩu thô, hoặc doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Ngoài ra, hiện nguyên liệu sản xuất ngành hàng không ổn định, công nghệ chế biến sâu chỉ đạt 13-18%. Cùng với đó, xu hướng tiêu thụ rau quả của người tiêu dùng Anh đang thay đổi, đi cùng các rào cản kỹ thuật, sự thay đổi của thị trường…
Bà Tạ Hoàng Lan, Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, doanh nghiệp trong nước chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị thương hiệu và phát triển thương hiệu ở nước ngoài để dành nguồn lực phù hợp.
Đặc biệt doanh nghiệp chưa chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nước ngoài; mặt khác doanh nghiệp chưa chú trọng đến kiểu dáng, thiết kế, mẫu mã, cũng như chưa chú trọng đến các quy định, yêu cầu về chất lượng tại thị trường nước sở tại.
Thương mại song phương Việt - Anh hiện đang có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD, nhất là khi Anh gia nhập CPTPP. Đồng thời, thị trường Anh lại đang có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỷ USD hàng hóa. Như vậy, dư địa khai thác thị trường Anh còn rất lớn đối với hàng hoá Việt Nam.
Nhằm tận dụng UKVFTA, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, chúng ta cần hoá giải các điểm nghẽn của hoạt động sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở những gói hỗ trợ ngắn hạn; tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia để tăng mức độ uy tín cho hàng hóa, sản phẩm tại thị trường Anh. Tuy nhiên, vị chuyên gia nông nghiệp này cho rằng, Anh là thị trường lớn, khó tính nên việc phải đối diện các thách thức là điều tất yếu mà hàng hoá Việt Nam phải đối diện.
Trong đó, ông Hoàng Trọng Thuỷ lưu ý, doanh nghiệp chúng ta cần quan tâm những vấn đề trên vì đây là quốc gia đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động… Ngay như yếu tố lao động các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị vi phạm, như quy định về tiền lương tối thiểu, độ tuổi lao động. Đây cũng là thị trường khắt khe đối với chất lượng hàng hoá của thế giới.
Đơn cử, là thị trường tiêu thụ cà phê, tiêu rất lớn nên Anh thường xuyên quan tâm đến việc sản phẩm có gây dị ứng hay không. Điều này cho thấy, các tiêu chuẩn của thị trường rất chi tiết, ngay trong cả văn hoá tiêu dùng.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng khuyến nghị tới cộng đồng doanh nghiệp cần chú ý đến đáp ứng tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp của thị trường Anh. Muốn vậy, cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cải tiến giống cây trồng phù hợp; đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói tiên tiến của thế giới...
“Đối với ngành rau quả, hiện đang rất cần sự hỗ trợ của các Bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan Thương vụ tại nước ngoài hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hàng hoá, sản phẩm; tăng kết nối với các nhà nhập khẩu tiềm năng của Anh”, ông Nguyên kiến nghị.