Triển lãm Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e vừa được khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Tham gia triển lãm có 34 tác giả là các hoạ sĩ trẻ từng và hiện đang theo học tại Khoa Hội hoạ của Đại học Mỹ thuật Việt Nam. 38 tác phẩm trưng bày phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt vừa quen vừa lạ.

Các hoạ sĩ thể hiện qua góc nhìn đương đại từ những sáng tạo cá nhân, lấy cảm hứng học hỏi, nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e, kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang...

W-z5098009397611-7dc6c81fee919cf83776f3d54b8830b1-1.jpg
Tác phẩm 'Nho sinh Meow Meow' của tác giả Phạm Ngọc Hà, Bùi Thảo My lấy cảm hứng từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, mong muốn thông qua triển lãm, quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Đây cũng là dịp giới thiệu tới công chúng sản phẩm văn hóa được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật truyền thống của những cuộc đối thoại văn hóa, xuyên quốc gia.

W-z5098009399081-b5a4e49bccf81b88911aac2143eaa76d-1.jpg
Tác phẩm 'Đám cưới chuột' của tác giả Hoàng Thuý Quỳnh lấy cảm hứng từ tranh Kitsune no Yomeiri-zu (đám cưới cáo) trong dòng tranh Ukiyo-e. 

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển của triển lãm, cho biết: “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e là kết quả những nỗ lực không ngừng nghỉ của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hoá mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hoá khác.

Hoạt động thực hành sáng tạo truyền thống cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng tiếp tục học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống để từ đó có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật”.

Triển lãm kéo dài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến ngày 12/3.

W-z5098010870739-bd6dbbbc67626f803d8a00946f40f864-1.jpg
Tác phẩm 'Tựa sơn vọng thuỷ' của Bùi Kim Hiền.
W-z5098008952508-09b2861c49d9856e0346918f6d5bec85-1.jpg
Tác phẩm sắp đặt 'Vũ điệu sắc màu'. 
W-z5098009667717-f40d49cd75d7ba81e42b3f96e4ae9fa1-1.jpg
'Người con gái hái dâu' của Trần Thị Hội kể về người con gái tài sắc trong lịch sử Việt Nam là Nguyên Phi Ỷ Lan. Tác giả lựa chọn vẽ trên lụa truyền thống và bồi trên giấy Dó - hai chất liệu của Việt Nam nhưng được sắp đặt hiện đại, nhịp điệu như dòng chảy lịch sử thăng trầm của người con gái Việt.

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế họa) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản. Ukiyo-e phản ánh bao quát nhiều khía cạnh trong đời sống của con người đương thời, vì vậy ta có thể bắt gặp mọi thứ trong tranh, từ cô gái hàng rau, những nghệ sĩ múa nón đến những đĩa thức ăn đầy ắp Sashimi, những chiếc cầu, những con đường nổi tiếng. 

Ngày nay, nhắc đến Ukiyo-e người ta thường liên tưởng ngay đến những bức tranh được in từ những bản khắc gỗ đầy màu sắc, song kỳ thực trong loại tranh này có tồn tại cả những bức họa vẽ tay.