Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo "Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người'.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, qua khảo sát trực tiếp tại 9 địa phương ở miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022 cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu trình bày ý kiến tại hội thảo nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. 

Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến tương đối phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, gây bất an, lo lắng trong nhân dân. Nhất là việc lợi dụng chính sách về đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài… để lừa nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, cơ sở giải trí, dịch vụ nhạy cảm, cơ sở trồng cần sa. Nhiều trường hợp bị mua đi bán lại, cưỡng bức, thậm chí là lấy bộ phận cơ thể…

Đáng lưu ý, nạn nhân của tội phạm mua bán người hiện cũng đã thay đổi, không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã có nhiều nam giới trở thành nạn nhân. Tội phạm mua bán người không chỉ ở nước ngoài mà diễn ra ngày càng nhiều ở trong nước.

Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số nơi còn chưa nghiêm. Công tác phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người, việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu…

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường lao động giữa các quốc gia rất lớn, trong khi nhu cầu có việc làm, mong muốn đổi đời, có thu nhập cao của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ cũng cao, nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc.

Đây là yếu tố quan trọng để tội phạm mua bán người gia tăng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, thường núp dưới các hình thức vỏ bọc hợp pháp như xuất cảnh du lịch, xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài... nên việc ngăn chặn, phát hiện rất khó.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người được ban hành đã lâu, không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Một số quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thiếu tính đồng bộ, thống nhất dẫn đến khó khăn trong xử lý tội phạm mua bán người, hợp tác quốc tế trong phối hợp điều tra, ủy thác điều tra, dẫn độ tội phạm, xác định nạn nhân bị mua bán... Chế độ hỗ trợ nạn nhân, từ việc hỗ trợ ban đầu sau khi nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận đến việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng không còn phù hợp với thực tiễn.

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, hành vi mua bán người chủ yếu dưới hình thức đưa nạn nhân ra nước ngoài. Do đó cần có sự phối hợp với lực lượng chức năng các nước nhằm thu thập thông tin, xác minh, điều tra.

Tuy nhiên, hiện nay Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định thời hạn thực hiện, nên việc trả lời ủy thác điều tra của phía nước bạn thường chậm, kéo dài, gây ảnh hưởng tới tiến độ điều tra các vụ án mua bán người và công tác giải cứu nạn nhân.

Ngoài ra, tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của Việt Nam với các nước chưa đồng nhất. Do đó có nhiều vụ án bị kéo dài hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, dẫn đến việc xác minh, giải cứu nạn nhân chậm trễ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có tham luận trình bày ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramala Khalidi kiến nghị, cần tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân, bao gồm lao động nhập cư, cá nhân hành nghề mại dâm, lao động trẻ em và nạn nhân của các hoạt động lừa đảo trên mạng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về buôn bán người.

Để nạn nhân được trợ giúp pháp lý

Nạn nhân bị mua bán được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm: tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại; trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Điều 2 Nghị định số 144 năm 2017 của Chính phủ, chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật mới được trợ giúp pháp lý. Điều này gây khó khăn cho nạn nhân trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Nạn nhân buôn bán người trở về còn gặp khó trong tái hoà nhập cộng đồng.

Đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội lý giải, hầu hết nạn nhân bị mua bán trở về đều cần làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, khai sinh cho con và nhận chế độ hỗ trợ. Một số nạn nhân còn tham gia đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người. Nếu quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo mới được trợ giúp pháp lý sẽ hạn chế các nạn nhân tham gia đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng...

Từ đó, Cục đề xuất sửa Luật Trợ giúp pháp lý để tất cả các nạn nhân được nhận các dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đồng thời, xem xét hỗ trợ những nạn nhân không được hưởng bồi thường thiệt hại, do người phạm tội không có khả năng bồi thường và những nạn nhân được bồi thường nhưng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Huỳnh Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Hà Sơn